TT ngoại tệ-vàng: Biến động nhưng không gây sốt

Sau 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá liên NH và 2 lần nới biên độ, tỷ giá hiện nay đã được phép tăng 5% kể từ đầu năm đến nay. Quyết định của NHNN mặc dù đã phá vỡ cam kết ổn định tỷ giá ở mức 2% cả năm nhưng được xem là giải pháp được lựa chọn phù hợp với thời điểm hiện nay khi đồng NDT của Trung Quốc phá giá mạnh. Giá vàng sau nửa năm im ắng cũng đã dậy sóng lần thứ hai chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua.

Sau 3 lần điều chỉnh tăng tỷ giá liên NH và 2 lần nới biên độ, tỷ giá hiện nay đã được phép tăng 5% kể từ đầu năm đến nay. Quyết định của NHNN mặc dù đã phá vỡ cam kết ổn định tỷ giá ở mức 2% cả năm nhưng được xem là giải pháp được lựa chọn phù hợp với thời điểm hiện nay khi đồng NDT của Trung Quốc phá giá mạnh. Giá vàng sau nửa năm im ắng cũng đã dậy sóng lần thứ hai chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua.

Tỷ giá lên trần mới

Tỷ giá niêm yết tại các NHTM và thị trường tự do đều tăng mạnh chỉ 1 giờ sau quyết định của NHNN công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên NH giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19-8-2015 từ mức 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ ±2% lên ±3%. Như vậy, với tỷ giá bình quân liên NH ở mức 21.890 đồng/USD và biên độ tỷ giá ±3%, tỷ giá trần là 22.547 đồng/USD, tỷ giá sàn là 21.233 đồng/USD.

Đây là lần điều chỉnh thứ hai trong vòng 10 ngày qua với sự điều chỉnh ở mức độ mạnh. Rõ ràng NHNN phải đối phó với sự biến động của thị trường tự do và việc điều chỉnh này là hết sức cần thiết. Bởi nếu không điều chỉnh tỷ giá có thể tạo ra chi phí rất lớn cho quốc gia do phải dùng rất nhiều ngoại tệ để ổn định thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Đầu giờ ngày 19-8, tỷ giá niêm yết tại nhiều NH đã có biến động lớn. Các nhà băng đã đồng loạt tăng mạnh tỷ giá. Tại Vietcombank, tỷ giá mua bán tăng mạnh 345 đồng lên 22.350 đồng/USD (mua vào) và 22.450 đồng/USD (bán ra). Tại VietinBank, giá mua bán USD niêm yết ở 22.360-22.450 đồng/USD.

Tại các NHTMCP cũng đã lần lượt điều chỉnh mạnh tỷ giá niêm yết USD. Techcombank giá bán USD tăng mạnh 375 đồng lên 22.480 đồng/USD, cao hơn hẳn so với các NH khác và giá bán niêm yết tại 22.280 đồng/USD. Giá mua bán đồng bạc xanh tại Eximbank, ACB, OCB, Sacombank đều điều chỉnh lên 22.350-22.450 đồng/USD. Như vậy so với mức quy định của NHNN, tỷ giá giao dịch tại các NHTM vẫn ở trong mức giới hạn trần và sàn là 21.233 - 22.547 đồng/USD.

Tuy nhiên đến cuối buổi chiều cùng ngày, tình hình giao dịch USD tại các NH đã nhanh chóng đảo chiều. Tỷ giá mua bán tại Vietcombank giảm 10 đồng, VietinBank giảm mạnh 50 đồng so buổi sáng: Techcombank, ACB, Eximbank, OCB, Sacombank đều hạ nhiệt so với đầu giờ khoảng 60-70 đồng. Tỷ giá mua bán tại các NHTM cuối ngày dao động quanh  mức 22.250-22.410 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, giá mua USD được đẩy lên 22.370 đồng/USD và giá bán là 22.500 đồng/USD vào buổi sáng, tăng mạnh so với phiên trước đó 1 ngày. Đây là thị trường được cho khá “nóng”, song theo các điểm thu đổi ngoại tệ, doanh số giao dịch vẫn chưa nhiều bởi đây là thời điểm nhạy cảm nên chưa vội mua bán.

Đáng mừng là các doanh nghiệp xuất khẩu đã bắt đầu đăng ký bán ngoại tệ với số lượng tương đối cho NH khi thấy tỷ giá hiện nay đang có lợi. Do đó đã tạo điều kiện cho nguồn thu ngoại tệ lớn của các NH. Trong khi những tuần lễ vừa qua các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sợ rủi ro về tỷ giá nên chưa vội bán.

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Theo NHNN, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên NH và với biên độ ±3% sau 2 lần điều chỉnh vừa qua, tỷ giá VNĐ có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chyên gia tài chính-NH, đúng là NHNN đã phá vỡ cam kết lúc đầu và dù quyết định có tính bị động, nhưng đây là biện pháp cần thiết khi đồng NDT và những đồng tiền xung quanh phá giá.

Đây có thể là động thái chẳng đặng đừng của NHNN vì sự biến động mạnh trên thị trường buộc NHNN phải đối phó. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã được phép tăng 5% sau khi NHNN 3 lần tăng tỷ giá bình quân liên NH và 2 lần nới biên độ. Lần thứ nhất là ngày 6-1, tỷ giá từ 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng. Lần thứ hai vào ngày 7-5, tỷ giá cũng tăng 1% lên 21.673 đồng/USD.

Chênh lệch giá vàng càng lớn

Ngay sau khi NHNN phát đi thông báo điều chỉnh tỷ giá, thị trường vàng đã liên tục có sự nhảy múa. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC giao dịch mức 33,9 triệu đồng/ lượng (mua vào) và 34,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy mỗi lượng vàng SJC đã tăng hơn 400.000 đồng/lượng sau 1 ngày không đổi trước đó.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), ngay vào đầu phiên giao dịch sáng, vàng SJC trong nước liên tục điều chỉnh giá mua và giá bán, biên độ giữa giá mua vào và bán ra gần 500.000 đồng/lượng. Tương tự, tại nhiều điểm kinh doanh vàng khác cũng ghi nhận mức tăng khoảng 400.000-500.000 đồng mỗi lượng bán ra. Tại các NHTM, chiều mua vào và bán ra của giá vàng cũng giao dịch quanh ngưỡng 33,97-34,15 triệu đồng/lượng. Theo mức giá hiện tại sau khi quy đổi theo tỷ giá USD trong nước, chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa: LONG THANH

Ảnh minh họa: LONG THANH

Đây là đợt dậy sóng thứ hai của thị trường vàng chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua theo sự biến động của tỷ giá. Trước đó, chỉ trong 2 ngày 13 và 14-8, sau khi NHNN quyết định nới biên độ tỷ giá lần đầu trong năm, giá vàng đã tăng gần 1 triệu đồng mỗi lượng lên mức 35 triệu đồng/lượng. Mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, doanh số giao dịch trên thị trường vàng vẫn ổn định, ở mức cân bằng và không có đột biến so với tuần trước đó. Biên độ giữa giá mua và giá bán hiện nay đã thu hẹp dần. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo việc tăng nóng của giá vàng sẽ không bền vững và nhà đầu tư phải hết sức thận trọng.

Nhận định ANZ Việt Nam

Cán cân thanh toán vẫn ổn định

Có lẽ NHNN đã chuẩn bị cho cả trường hợp Hoa Kỳ nâng lãi suất vào tháng 9 tới. Sự điều chỉnh ngày hôm nay sẽ giúp giảm bớt áp lực phải can thiệp vào thị trường tiền tệ đang đè nặng lên NHNN. Động thái “kép” hôm nay của NHNN ngay sau khi biên độ tỷ giá vừa được tăng từ mức 1% lên 2% trong tuần trước trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đồng NDT. ANZ cho rằng kể cả khi không có điều chỉnh chính sách kể từ nay đến cuối năm, tiền đồng vẫn có thể giảm giá tối đa 5,1% trong năm nay (đến nay mức giảm đã là 4,5%). 2 năm trước, mức giảm mỗi năm vào khoảng 1,3%. Từ khía cạnh kinh tế vĩ mô, ANZ vẫn nhận định trong mấy tháng gần đây VNĐ vẫn thuộc nhóm mạnh mẽ hơn trong số các đồng tiền mới nổi ở châu Á do triển vọng kinh tế vĩ mô đang ổn định.

Thâm hụt cán cân vãng lai sẽ không đem đến những tác động tiêu cực nếu điều chỉnh tỷ giá được phản ánh trong thanh toán với đối tác nước ngoài. Rõ ràng mục tiêu duy trì dự trữ ngoại hối của NHNN ở mức 12 tuần nhập khẩu đang được theo đuổi một cách tích cực. Theo thông báo từ NHNN, dự trữ ngoại hối hiện ở mức 37 tỷ USD. Dựa theo số liệu nhập khẩu, ANZ ước tính dự trữ ngoại hối tương đương 11,7 tuần nhập khẩu, thấp hơn một chút so với mục tiêu. Với luật mới cho phép sở hữu 100% trong một số ngành từ tháng 9-2015, Việt Nam sẽ đón dòng vốn FDI dồi dào và có thể duy trì cán cân thanh toán ở mức ổn định.

Nhận định HSBC Việt Nam

Doanh nghiệp chủ động quản trị rủi ro

NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường, tránh tạo tâm lý về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Hơn nữa, việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.

Tuy nhiên, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá sẽ tạo thêm biến động. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Do vậy doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động với các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN. Thực tế đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, FED sẽ tăng lãi suất, đẩy đồng NDT tiếp tục giảm giá, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam. Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại, các doanh nghiệp nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai.

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tới các doanh nghiệp nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. Việt Nam với vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới sẽ còn tiếp tục nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Về xuất khẩu, chúng ta sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá.

Bảo Lâm (ghi)

Các tin khác