Sức tàn phá của dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, ngày 23-1 Trung Quốc đã tiến hành cách ly thành phố này cũng như thế giới sau đó cũng cách ly Trung Quốc. Khi dịch bệnh này đã lây lan ra gần như toàn cầu, thì chính phủ của các nước cũng đã đi đến quyết định tự cách ly mình với phần còn lại. Việc cách ly xã hội đã đưa đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Từ việc sụt giảm nguồn cung trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc với phần còn lại của thế giới (ĐTTC có bài “Thị trường kỳ vọng khi nCoV hạ nhiệt” – số 43/2020 đã phân tích), đến ngày nay đã tác động đến tổng cầu của nền kinh tế thế giới. Phần lớn tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng do sự thiếu hụt nhu cầu.
Thế giới chứng kiến nhiều cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sau chiến tranh thế giới thứ 2 như sự kiện dầu mỏ năm 1973, sự kiện 11-9 của Mỹ, khủng hoảng kinh tế 2008-2009. Các sự kiện này không làm hạn chế dòng chảy thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, sự kiện đại dịch lần này còn tồi tệ hơn cả cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, như kinh tế trưởng Robert Koopman của WTO đã nhận định: “Đây được xem như kịch bản của chiến tranh mà tài sản vật chất không bị phá hủy”. Chính sự đóng sụp nền kinh tế một cách đột ngột trong chính sách “cách ly xã hội” đã đẩy người dân vào sự thiếu hụt trong thu nhập và việc làm.
Chính phủ Mỹ đã thực thi chính sách tài khóa mở rộng lớn chưa từng có, trong đó có cả khoản chi cho mỗi công dân Mỹ trị giá 1.200USD/người trên 18 tuổi. Chính sách này cũng khó có thể khôi phục lại nền kinh tế khi đại dịch chưa được kiểm soát.
Nhiều chuyên gia kinh tế còn đề xuất nhiều chính sách như kiểu trả lương cho kỳ nghỉ kéo dài 3 tháng, Chính phủ cho các công ty vay tiền trả lương cho công nhân viên ngay cả khi không có việc làm sau đó xóa các khoản nợ này. Các chính sách này dựa trên bài học của những cuộc khủng hoảng trước đây, khi mà hoạt động cứu trợ kinh tế chỉ mang lại những lợi ích cho một số ít thành phần trong xã hội.
Ngày nay, các chính phủ đều đang lên kế hoạch dài hạn hơn để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch song song với các giải pháp trước mắt hỗ trợ trong mùa dịch như giảm lãi suất, bơm tiền, giảm và giãn nộp thuế…
Tuy nhiên, qua việc cách ly xã hội, nhiều nước đã nhìn thấy sự phụ thuộc lẫn nhau trong nền kinh tế toàn cầu mà quá trình toàn cầu hóa đưa đến. Nếu lo lắng mạng 5G trong kỷ nguyên kỹ thuật số ảnh hưởng đến an ninh của nước Mỹ, thì ngày nay việc cách ly xã hội đã cho các nước phương Tây nhìn thấy nhiều lĩnh vực khác còn quan trọng không kém.
Đối với Mỹ, bài học còn được nhìn thấy từ ngành dược phẩm quan trọng cả về lợi ích kinh tế và an ninh lâu dài đòi hỏi phải có chiến lược tránh sự phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu từ Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Tom Cotton cùng với nghị sỹ Mike Gallagher đã giới thiệu đạo luật cho vấn đề này.
Vẫn dựa trên chủ thuyết kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh lấy lợi ích và chi phí thấp làm trọng tâm, thì Mỹ chỉ có thể cách ly kinh tế Mỹ khỏi một quốc gia lớn như Trung Quốc và khó có thể thực hiện chính sách cách ly kinh tế với nền kinh tế thế giới. Do vậy, việc lôi kéo các doanh nghiệp về Mỹ đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.
Một trong những giải pháp được GS. Kenneth Rogoff Đại học Harvard (ông từng là Kinh tế trưởng của IMF) đề xuất, để phục hồi kinh tế toàn cầu bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, kích thích tài khóa thì Mỹ cần thêm kích thích người tiêu dùng Mỹ chi tiêu nhiều hơn để giải quyết chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên sự hợp tác thay vì cách ly kinh tế.
Bài học từ Trung Quốc
Bài học từ Trung Quốc
Gần 30 năm phát triển kinh tế và hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đã nhận ra tác động lây lan khi có những cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính xảy ra. Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành những chính sách kinh tế để hạn chế các tác động bất lợi này.
Và từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế bằng việc gia tăng vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Thông qua hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để hình thành thêm công cụ để điều tiết nền kinh tế, tránh sự lệ thuộc. Các đại dự án từ hạ tầng đường sắt, đường bộ và thậm chí là đường thủy trong việc dẫn nước… đã giúp cho kinh tế Trung Quốc duy trì được đà tăng trưởng cao.
Sau 10 năm khủng hoảng 2008-2009, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng trên 104% trong khi châu Âu thì gần như không tăng trưởng, Mỹ có sự tăng trưởng tầm 32%.
Vấn đề là các đại dự án này từ khi đưa ra ý tưởng cho đến khi nghiên cứu tiền khả thi cũng có nhiều ý kiến trái chiều về tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi vào hoạt động các dự án đã có lãi và gia tăng mạnh trong lượng khách di chuyển, mang lại lợi nhuận cho nhiều thế hệ.
Đồng thời, nhờ thực hiện các đại dự án về hạ tầng giao thông thông qua vai trò của doanh nghiệp nhà nước, ngày nay Trung Quốc được đánh giá có hệ thống hạ tầng tốt để phát triển kinh tế và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất chấp trong giai đoạn thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc (biểu đồ).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc 1 năm qua.
Song song với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đa dạng hóa loại hình sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước… để cải thiện hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp nhà nước, Trung Quốc còn sử dụng có hiệu quả công cụ quản lý nhà nước thông qua vai trò của doanh nghiệp này.
Trong cuốn sách của Nicholas R. Lardy (2012) tựa đề “Sustaining China’s Economic Growth after the Global Financial Crisis (tạm dịch: Duy trì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu)” đã phân tích vai trò của Trung Quốc trong thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong cuốn sách “The State Strikes Back” xuất bản 2019, Lardy cũng đã chỉ ra các khả năng có thể giúp Trung Quốc tái cân bằng lại nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn.
Để thực hiện tái cân bằng nền kinh tế thành công, chính quyền của Tập Cận Bình thực thi chính sách thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt cho tham vọng của Trung Quốc trong chiến lược “Made in China 2025”, chính sách này có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tiến tới đạt được sự thống trị toàn cầu và cách ly kinh tế thế giới. Tham vọng này thiết nghĩ chính phủ Trung Quốc không từ bỏ mà chỉ làm chậm lại quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, vai trò của Trung Quốc đối với sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch càng trở nên quan trọng. Đây cũng sẽ là cơ hội để Trung Quốc thực hiện các chính sách kinh tế để thúc đẩy tham vọng này.
Tính đến nay, chính phủ Trung Quốc chỉ thực hiện các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế trong ngắn hạn, còn các gói kích cầu kinh tế chưa được ban hành. Do vậy, với các cường quốc đầu tàu kinh tế thế giới vẫn chưa thực hiệc các giải pháp kích thích kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh, thì liệu một chính sách kích cầu có thật sự giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng và vượt qua được khủng hoảng?