Theo các dự báo, VNĐ vẫn phải đối mặt với áp lực từ sự phục hồi của đồng USD, nhu cầu ngoại tệ gia tăng và mức chênh lệch lãi suất cao. Điều này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024.
Tỷ giá lại lập đỉnh
Đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện tích cực. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1 đạt 65,42 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cả nước đạt 34,53 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2023; nhập khẩu đạt gần 30,9 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2023.
Mức tăng trưởng xuất nhập khẩu của tháng 1-2024 là mức cải thiện theo tháng tốt nhất kể từ năm 2019 đến nay. Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, trong tháng 1, sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất nhập khẩu đã đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng trở lại, theo đó đẩy tỷ giá giao dịch tại hệ thống NH có thời điểm tăng trên 1%.
Đà tăng xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì trong nửa đầu tháng 2 này. Tổng cục Hải quan cho biết, tính sơ bộ từ ngày 1-1 đến hết ngày 14-2-2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD. Riêng trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch vừa qua (từ ngày 8 đến 14-2), tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 1,41 tỷ USD, trong đó tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỷ USD; và tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỷ USD.
Cùng lúc đó trên thế giới, đồng USD đã đổi chiều, bất ngờ bật tăng trở lại từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số Dollar Index từ vùng 102 điểm lên vùng 103 điểm, thậm chí có một số thời điểm đã tăng vượt 104 điểm. Các yếu tố hỗ trợ đồng USD duy trì ở mức cao bao gồm số liệu tích cực từ thị trường lao động của Mỹ, những phát biểu của các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) về việc không muốn giảm lãi suất quá sớm và quá nhanh trong năm nay, lạm phát của Mỹ không giảm nhanh như dự báo (chỉ số CPI tháng 1-2024 tăng 3,1%)… từ đó đẩy lùi kỳ vọng lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed từ tháng 3-2024 sang tháng 6-2024.
Đồng USD vẫn neo cao trong thời kỳ đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed, có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ, và diễn biến này có thể kéo dài ít nhất trong nửa đầu năm 2024. Tuy vậy cả năm, VNĐ chỉ mất giá khoảng 1,5-2% so với USD.
Giới phân tích nhận định, xuất nhập khẩu duy trì đà sôi động và đồng USD tăng mạnh, là 2 nguyên nhân chính tác động mạnh đến diễn biến tỷ giá USD/VNĐ trong tháng 2-2024.
Bên cạnh đó, thanh khoản VNĐ vẫn tương đối dư thừa, đẩy lãi suất huy động xuống thấp, chênh lệch giữa lãi suất tiền USD và lãi suất tiền VNĐ ở mức cao, khiến việc mua và nắm giữ USD hấp dẫn hơn… là các nguyên nhân cộng hưởng, đẩy tỷ giá lên mức cao trong những ngày sau kỳ nghỉ Tết.
Theo ghi nhận của ĐTTC, cuối năm 2023, tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank đã về sát mốc 24.000 đồng. Tuy nhiên từ đầu năm 2024 đến nay, giá USD đã tăng dần đều và lên đến mức 24.400-24.740 đồng (mua vào – bán ra) tại ngày 18-1 . Đầu tháng 2, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt, giảm khoảng 500 đồng mỗi USD, nhưng đến giữa tháng 2 lại xuất hiện đà tăng phi mã.
Ngày 23-2, tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank ở mức 24.420-24.760 đồng/USD, tương ứng tăng 370 đồng (hơn 1,5%) so với cuối năm ngoái. Còn trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VNĐ xác lập đỉnh mới với mức giá trên 25.000 đồng/USD.
Áp lực vẫn lớn
Điểm đáng lưu ý, tỷ giá USD/VNĐ đã biến động mạnh trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối về Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua. Với FDI, năm 2023 ở mức kỷ lục hơn 23 tỷ USD và tiếp tục khởi sắc trong năm 2024.
Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết trong tháng 1 vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, và con số giải ngân đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kiều hối, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2023 đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.
Theo một chuyên gia tài chính lý giải, sở dĩ con số về nguồn ngoại tệ kể trên rất đẹp, nhưng cầu ngoại tệ tăng, đồng USD mạnh lên, cộng với việc tỷ giá vẫn chịu áp lực vì vẫn đang có sự chi phối của rất nhiều yếu tố khác, đã gây áp lực tăng.
Cụ thể, NHNN vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, NHTM vẫn khó cho vay, nên liên tục giảm lãi suất huy động, và chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ trên thị trường liên NH ở mức cao, khiến tiền đồng bị giảm giá trị. Giá trị của tiền đồng giảm sẽ làm tăng giá trị của đồng USD, cộng với lãi suất đồng USD tại Mỹ cao và đồng USD liên tục tăng giá trên thị trường thế giới, đã đẩy tỷ giá USD/VNĐ lên.
Những tháng còn lại của năm 2024, tỷ giá USD/VNĐ sẽ vẫn chịu sự chi phối mạnh từ diễn biến của đồng USD. Nếu Fed sớm giảm lãi suất, tỷ giá sẽ dễ thở hơn, nhưng nếu điều này diễn ra chậm, áp lực vẫn duy trì. Một chuyên gia chia sẻ, tỷ giá trên thị trường tự do đã có đà tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, tuy trong tổng thể thị trường ngoại hối trong nước có khối lượng giao dịch không quá lớn để có thể ảnh hưởng đến thị trường chính thức, nhưng cũng cần quan tâm đến diễn biến này.
Vì giá USD tự do tăng mạnh trong bối cảnh chênh lệch giá vàng nhẫn so với thế giới lên mức chưa từng có (3-4 triệu đồng/lượng). Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy việc nhập lậu vàng có thể đang gia tăng, cơ quan quản lý cần chú ý đến vấn đề này.
Nhận định về diễn biến tỷ giá năm 2024, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam dự báo, tỷ giá USD/VNĐ vẫn chịu áp lực tăng trong quý I. Bởi đồng USD được kỳ vọng vẫn duy trì được sức mạnh trong những tháng đầu năm 2024, đồng thời sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa Fed và NHNN có thể vẫn lớn.
Thặng dư thương mại và vốn đầu tư FDI của Việt Nam có thể duy trì ở mức cao, nhưng một số biến động địa chính trị toàn cầu và trong khu vực có thể tạo ra những tác động tương đối tiêu cực lên VNĐ. Tuy vậy, tỷ giá được dự báo sẽ cải thiện hơn vào nửa cuối 2024, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế tín dụng trong nước dần hồi phục, kết thúc năm ở mức 24.400 đồng/USD.