Ukraine đau đầu xử lý nạn 'thù trong'

(ĐTTCO) - Việc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng sau một loạt báo cáo về hối lộ đã phần nào cho thấy thách thức sống còn đối với khả năng lãnh đạo thời chiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ukraine đau đầu xử lý nạn 'thù trong'

“Tham nhũng có thể giết người”

Tham nhũng là một chủ đề gần như bị cấm kỵ trong suốt năm đầu tiên xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, khi chính phủ cần đoàn kết người dân để đấu tranh cho sự sống còn của quốc gia. Nhưng thông báo của Tổng thống Zelensky vào tối 3-9 rằng ông sẽ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, đã đưa vấn đề này lên cấp cao nhất trong chính trường Ukraine.

Nó diễn ra vào thời điểm then chốt của cuộc xung đột, khi Ukraine phụ thuộc nhiều vào đồng minh phương Tây để được hỗ trợ quân sự. Kể từ đầu cuộc chiến, những đồng minh này đã gây áp lực lên chính phủ của ông Zelensky, để đảm bảo rằng các quan chức Ukraine không bòn rút một phần trong số hàng tỷ USD viện trợ đang chảy vào Kiev.

Trước đó 1 tuần, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp 3 quan chức cấp cao Ukraine để thảo luận về nỗ lực dập tắt tham nhũng thời chiến. Nó xảy ra khi một số nhà lập pháp ở Đồi Capitol đã sử dụng hối lộ làm lý lẽ để hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ông Zelensky đã đáp lại áp lực từ các đồng minh và những lời chỉ trích trong nước bằng một loạt sáng kiến chống tham nhũng, nhưng không phải tất cả đều được hoan nghênh. Điều gây tranh cãi nhất là đề xuất sử dụng quyền thiết quân luật để trừng phạt tham nhũng như tội phản quốc.

Ông Reznikov, người từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong nhiệm kỳ của ông Zelensky, đã nộp đơn từ chức vào ngày 4-9. Cá nhân ông không liên quan đến các cáo buộc về tham nhũng quân sự, nhưng các cuộc điều tra mở rộng tại Bộ Quốc phòng đã đặt ra thách thức đáng kể đầu tiên đối với chính phủ về các biện pháp chống tham nhũng kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Daria Kaleniuk, CEO của Trung tâm Hành động chống tham nhũng ở Ukraine, nhóm chuyên chống tham nhũng hiện đang tập trung vào trục lợi chiến tranh, cho biết: “Câu hỏi ở đây là "Tiền ở đâu, tham nhũng có thể giết người. Tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của chúng ta trong việc bảo vệ công quỹ, người lính sẽ có vũ khí hoặc không có vũ khí”.

Theo số liệu của chính phủ, tại một thời điểm trong năm nay, khoảng 980 triệu USD hợp đồng vũ khí đã bị trễ ngày giao hàng, một số khoản trả trước cho vũ khí đã biến mất vào tài khoản ở nước ngoài của các đại lý vũ khí.

Mặc dù chi tiết chính xác chưa được tiết lộ, nhưng những điểm bất thường cho thấy các quan chức thu mua của Bộ Quốc phòng đã không kiểm tra các nhà cung cấp, hoặc cho phép các đại lý vũ khí lấy tiền mà không giao vũ khí. Truyền thông Ukraine đã chỉ ra việc chi trả quá mức cho các nhu yếu phẩm cơ bản cho quân đội, như thực phẩm và áo khoác mùa đông.

Nạn tham nhũng trong quân đội Ukraine đang làm mất lòng tin của người dân nước này, cũng như ảnh hưởng đến sự viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.

Đe dọa dòng viện trợ

Dù những cáo buộc công khai cho đến nay vẫn chưa đề cập trực tiếp đến vũ khí nước ngoài được chuyển giao cho quân đội Ukraine hoặc tiền viện trợ của phương Tây, nhưng chúng vẫn là những nhát đâm thẳng vào lòng tin của người dân đối với chính phủ Ukraine.

2 quan chức của Bộ Quốc phòng, gồm 1 thứ trưởng và người đứng đầu bộ phận mua sắm, đã bị bắt vì mua trứng quá đắt cho quân đội. Ông Zelensky đã sa thải người đứng đầu các văn phòng tuyển dụng quân sự vào tháng trước sau khi xuất hiện cáo buộc rằng một số người đã nhận hối lộ từ những người tìm cách trốn quân dịch.

Các quan chức chính phủ thừa nhận một số hợp đồng quân sự không sản xuất được vũ khí hoặc đạn dược và một số tiền đã biến mất. Chi tiêu quân sự hiện chiếm gần một nửa ngân sách quốc gia của Ukraine, và các báo cáo về các vụ bê bối hợp đồng chỉ ra sự thay đổi về nguồn gốc của tham nhũng công.

Trước cuộc xung đột, nguồn tham ô chính là các công ty nhà nước được điều hành kém, trong đó có hơn 3.000 công ty trên bảng cân đối kế toán của chính phủ. Tiền đã bị các lãnh đạo công ty bòn rút thông qua vô số kế hoạch, trong khi ngân sách quốc gia phải bù đắp các khoản lỗ.

Các nhóm chống tham nhũng cho biết dòng tiền khổng lồ đổ vào hỗ trợ chiến tranh đã khiến họ chuyển trọng tâm sang chi tiêu quân sự. Theo một báo cáo trên tờ Dzerkalo Tyzhnia của Ukraine, các nhà báo điều tra Ukraine đã nhấn mạnh việc chi trả quá cao cho các nhu yếu phẩm cơ bản của quân đội, như trứng với giá 17 hryvnia/quả (tương đương 11.303 VNĐ), cao hơn nhiều so với giá hiện hành.

Tờ báo đưa tin đậu đóng hộp được mua từ Thổ Nhĩ Kỳ với giá cao hơn giá của những hộp tương tự ở các siêu thị Ukraine, dù đúng ra quân đội có thể mua với giá thấp hơn giá bán lẻ. Bộ cũng mua hàng ngàn chiếc áo khoác nhưng không đủ giữ ấm cho mùa đông khắc nghiệt ở Ukraine.

Cuộc chiến cam go

Trong một cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Ủy ban chống Tham nhũng của Quốc hội Ukraine, Anastasia Radina, cho biết các nhà tài trợ phương Tây đang theo dõi chặt chẽ cách Ukraine giải quyết vấn đề. Đặc biệt đáng lo ngại là đề xuất trừng phạt tham nhũng là tội phản quốc, vì nó có thể cho phép Cơ quan Tình báo Nội địa (S.B.U - cơ quan trực thuộc Tổng thống), điều tra các quan chức tham nhũng.

Vụ bắt giữ Ihor Kolomoisky, một trong những người giàu nhất Ukraine, được coi là dấu hiệu của nỗ lực hạn chế ảnh hưởng chính trị của các nhà tài phiệt. Bị nghi ngờ gian lận và rửa tiền, ông Kolomoisky ủng hộ chiến dịch bầu cử năm 2019 của ông Zelensky, nhưng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Tổng thống dường như cắt đứt mọi quan hệ với ông.

Trong các cuộc trấn áp khác trong năm nay, các nhà điều tra đã theo đuổi một trong những vụ truy tố cấp cao nhất từ trước đến nay về tội hối lộ, chống lại Chánh án Tòa án Tối cao Ukraine, người đã bị lật đổ và bắt giữ vào tháng 5. Ngoài ra, 1 thứ trưởng kinh tế đang bị xét xử với cáo buộc biển thủ quỹ viện trợ nhân đạo.

Dù vậy, Andrii Borovyk, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế ở Ukraine, cho biết việc các vụ tham nhũng cấp cao bị đưa ra ánh sáng là tích cực. Theo ông, điều đó cho thấy đất nước có thể chống lại chiến tranh và tham nhũng cùng một lúc. Ông Borovyk nói: “Chiến tranh không thể là cái cớ để ngừng chống tham nhũng”.

Các tin khác