PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, dịch Covid-19 tái phát khiến số người bị lây nhiễm trong cộng đồng tăng vọt. Việc Chính phủ vẫn kiên định thực hiện “mục tiêu kép” có mâu thuẫn?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Chính phủ đưa ra “mục tiêu kép” vừa ngăn chặn đẩy lùi đại dịch và đồng thời cứu vãn nền kinh tế không bị gãy đổ, là chủ trương xuyên suốt từ thời điểm bùng phát dịch đợt 1, tức từ tháng 3-2020 và tiếp tục thực hiện trong tháng 4 và 5 khi thực hiện chính sách bình thường mới.
Khi Đà Nẵng bùng phát dịch đợt 2 từ cuối tháng 7 đến nay, chủ trương của Chính phủ vẫn nhắc đi nhắc lại phải thực hiện “mục tiêu kép”.
Ở đây vấn đề đặt ra liệu có thể vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Tôi cho rằng, đây là 2 nhiệm vụ thoạt nhìn mâu thuẫn nhau. Nhưng cần hiểu điều này theo nghĩa dù thực hiện “mục tiêu kép”, song chống và kiểm soát dịch bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu. Điều này thể hiện bằng hoạt động hàng ngày của Chính phủ và chính quyền các cấp.
Còn về phát triển kinh tế trong “mục tiêu kép” phải hiểu theo nghĩa hạn chế thấp nhất sự suy giảm và gãy đổ của nền kinh tế, số doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa, thất nghiệp, chứ không có nghĩa thúc đẩy tăng trưởng như chúng ta vẫn hiểu theo cách bình thường.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế quý I-2020 đạt 3,81%, nhưng quý II rất thấp. Vậy chúng ta có thể kích thích những hoạt động nào để kinh tế quý III và IV ở mức không quá thấp, thậm chí không bị âm. Đó là bài toán phải giải. Dĩ nhiên phải nhìn nhận “mục tiêu kép” rất khó thực thi, nhưng chỉ có chủ trương nỗ lực đó mới có thể giải quyết được tình hình.
Ưu tiên chống dịch là đúng, nhưng đừng để nền kinh tế gãy đổ, vì hệ quả gãy đổ rất lớn đối với những nước có trình độ phát triển cũng như thu nhập người dân còn thấp, còn nhiều khó khăn.
Với quan điểm như vậy, tôi nghĩ không có đối nghịch trong 2 vấn đề này mà có thể tiến hành song song. Những nơi nào có dịch khoanh phạm vi ổ dịch, những nơi nào không cần giãn cách xã hội một cách cứng rắn, vẫn duy trì các hoạt động bảo đảm việc chống dịch cùng với hoạt động kinh tế bình thường.
Đơn cử, TPHCM dù cũng có nguy cơ dịch bệnh nhưng đang cố gắng phòng dịch và duy trì hoạt động kinh tế, không hốt hoảng để dùng các biện pháp thái quá.
- Ông có thể lý giải 3 trụ cột của nền kinh tế hiện nay mà Chính phủ chỉ đạo; cũng như việc kích cầu nội địa có thể vực dậy tăng trưởng nền kinh tế và nên kích cầu như thế nào là phù hợp?
Tôi ủng hộ gói hỗ trợ thứ 2 nhưng phải gắn nó với mục tiêu trung hạn là giúp DN, nền kinh tế tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tồn tại phục hồi tốt hơn trong giai đoạn tới. |
Cho tới nay, 3 nhóm này vẫn là nhân tố để thúc đẩy tăng trưởng và cũng hỗ trợ để hạn chế giảm sút tăng trưởng ở mức có thể được. Tuy nhiên hiện nay, từng lĩnh vực có những điểm tích cực và những khó khăn khác nhau.
Đầu tiên ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm nay giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng nhẹ 0,2% nhưng nhập khẩu giảm 2,9% và chỉ duy trì được ở 2 thị trường lớn Mỹ và Trung Quốc, các thị trường EU và ASEAN đều giảm rất nặng.
Tôi nghĩ chúng ta còn có một số cơ hội nhưng trong quý III này xuất khẩu tiếp tục khó khăn do dịch vẫn hoành hành ở tất cả thị trường Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn. Cho nên, dựa vào xuất khẩu vẫn là chính, nhưng có lẽ mức độ đóng góp của nhân tố này trong tăng trưởng 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm khó tăng hơn.
Thứ hai về đầu tư công, chưa bao giờ Chính phủ tập trung đôn đốc giải ngân để triển khai các dự án bị vướng nhiều điểm nghẽn như hiện nay. Bởi lẽ, giải ngân đầu tư công được triển khai tốt sẽ có sức lan tỏa nhất định.
Theo một số tính toán, nếu đầu tư công tăng 1%, tốc độ tăng trưởng GDP được 0,06%. Đồng thời đầu tư công hiện nay, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng tác động đến 50 nhóm ngành kinh tế khác nhau. Vì vậy, đây là yếu tố hy vọng có kích thích tăng trưởng và có thể giúp DN duy trì hoạt động và phục hồi.
Thứ ba về thị trường nội địa, có thể nói nội địa là thị trường lớn, nếu được kích thích tốt sẽ tăng trưởng kinh tế khá. Vì tính theo nguyên tắc phân phối thu nhập, tiêu dùng của người dân đóng góp gần 70% vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ 7 tháng qua nếu trừ yếu tố giá giảm 4,8%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9%. Trước khi xảy ra dịch lần thứ 2, chúng ta kỳ vọng thị trường du lịch phục hồi nhưng nay lại gặp khó.
Do đó, những biện pháp tăng sức mua nội địa để giữ phục hồi vẫn có khả năng triển khai được, nhưng sẽ không đạt được mức như chúng ta kỳ vọng. Như vậy, trong thời gian tới, 3 trụ cột trên vẫn tiếp tục đóng góp nhưng khó đạt được mức chúng ta kỳ vọng để đưa tăng trưởng kinh tế cao những tháng cuối năm.
Để thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, tôi đề nghị một số giải pháp. Đầu tiên, phải giữ ổn định vĩ mô ở con số chủ động, cụ thể xác định lạm phát mục tiêu cỡ nào trong năm nay và năm tới.
Thứ hai, xác định nới trần nợ công mức nào có thể chấp nhận được. Thứ ba, ổn định tỷ giá như thế nào. Tựu chung, chủ động đưa ra mục tiêu cho các chỉ số vĩ mô về tỷ giá, nợ công, lạm phát để kiểm soát dư địa cho chính sách tiền tệ.
Trên tinh thần đó, 2 công cụ để kích thích tiêu dùng nội địa là chính sách tài chính tiền tệ mở rộng tín dụng tiêu dùng và chính sách tài khóa, có thể nghiên cứu giảm thuế giá trị gia tăng một số hàng hóa dịch vụ để kích thích tiêu thụ.
Dĩ nhiên thực hiện giải pháp này phải chấp nhận nợ xấu của NHTM tăng. Vấn đề là kiểm soát để ở mức nào chấp nhận được, vì không thể mở rộng tín dụng tiêu dùng mà không có rủi ro.
- Bộ Kế hoạch - Đầu tư có nói đến việc xây dựng gói hỗ trợ lần 2 cho DN và người lao động. Theo ông, nếu thực thi gói hỗ trợ lần 2, cần rút kinh nghiệm gì từ gói hỗ trợ lần 1?
Có thể nói nội địa là thị trường lớn, nếu được kích thích tốt sẽ tăng trưởng kinh tế khá. Vì tính theo nguyên tắc phân phối thu nhập, tiêu dùng của người dân đóng góp gần 70% vào tăng trưởng kinh tế. |
Chúng ta có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng nhưng cho tới nay triển khai chưa đến nơi đến chốn. Hay việc giảm giãn thuế cho DN vẫn đang triển khai ì ạch do thủ tục. Chỉ có nhóm liên quan đến tín dụng triển khai tương đối tốt.
Do đó, trước khi bàn gói thứ 2 cần đánh giá tác động của gói thứ nhất triển khai như thế nào, những điểm nào cần phải khắc phục của gói này ở giai đoạn 1. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, đối tượng hỗ trợ cần mở rộng hơn, vì dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Theo đó, vấn đề an sinh xã hội mở rộng giải quyết thất nghiệp như thế nào, trực tiếp hỗ trợ DN trong trợ cấp thất nghiệp như thế nào phải tính rộng hơn.
Đồng thời, những đối tượng trước đây được quan tâm nhiều là DN liên quan đến dịch vụ như hàng không, du lịch, nhưng thực sự nhiều DN khác và khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nhỏ cũng bị ảnh hưởng. Với nhiều lĩnh vực bị tác động như vậy, gói tiếp theo phải rộng, sâu và mức độ tác động nhiều hơn mới có thể hỗ trợ tốt.
Thứ ba, gói hỗ trợ thứ 2 giúp DN không chỉ tồn tại mà có khả năng phục hồi và tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế. Tức không chỉ gói gọn trong vấn đề là xử lý tình thế cho DN tồn tại, mà hướng tới giúp DN đứng được và tái cơ cấu phát triển mạnh hơn, tốt hơn trong giai đoạn tới. Nếu tiếp tục duy trì cơ cấu thị trường mà xuất khẩu, nhập khẩu như hiện nay sẽ không phù hợp, chứa đựng nhiều rủi ro.
- Xin cảm ơn ông.