Trong khi nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh và người đi vay nói chung than phiền khó tiếp cận vốn. Một trong những rào cản họ ngán ngại chính là thủ tục và mức lãi suất cao, nhiều rủi ro trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Chính vì vậy mà thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%.
Mới đây, “Big 4” ngân hàng thương mại cổ phần gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank và hơn chục ngân hàng khác đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm và cho vay. Đây là đợt giảm lãi suất thứ 5 liên tiếp tính từ đầu năm đến nay đã kéo giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-3% đang được kỳ vọng kích cầu tín dụng, trợ lực mạnh mẽ cho dòng chảy nông sản cuối năm.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, 7 tháng đầu năm, cả nước chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tạo ra điểm sáng. Xuất khẩu rau quả tăng 68,8%, đạt kim ngạch 3,25 tỷ USD, vượt giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2022 (3,16 tỷ USD). Xuất khẩu gạo cũng tăng về lượng, được giá và đạt kim ngạch cao với 4,85 triệu tấn, mang về 2,62 tỷ USD, tăng 19,1% về lượng và 31,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Dư địa tăng trưởng của các ngành hàng xuất khẩu gạo, trái cây còn rất lớn trong giai đoạn chạy nước rút cuối năm. Ngành hàng thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu sụt giảm các tháng đầu năm cũng đang có dấu hiệu phục hồi từ quý IV.
Các doanh nghiệp đang cần lượng vốn lớn để tập trung sản xuất, thu mua, tăng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp du lịch lễ 2-9, mùa tựu trường và dịp Tết Nguyên đán... đang tạo ra động lực tăng cầu tín dụng. Việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng đang được kỳ vọng mở cánh cửa cho dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, chìa khóa để mở cánh cửa này nằm ở thủ tục giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn vay của doanh nghiệp để tránh gia tăng nợ xấu. Hạ lãi suất để tăng trưởng tín dụng chỉ là điều kiện. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp cho 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, tiêu dùng và xuất nhập khẩu.
Theo đó, cần triển khai mạnh mẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chính sách và biện pháp kích cầu tiêu dùng, xuất khẩu. Đặc biệt, cần ưu tiên cho các ngành hàng nông sản còn nhiều dư địa gia tăng như gạo, rau quả, thủy sản, lâm sản và đồ gỗ. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để giải ngân nhanh các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả hơn với tinh thần cầu thị, lắng nghe và có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc; chủ động triển khai, tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Ngành ngân hàng phải cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tăng trưởng tín dụng lành mạnh, mức lãi suất phù hợp chính là điều kiện kích cầu tín dụng để khơi thông dòng chảy nông sản mạnh mẽ từ nay đến cuối năm.