Vay cầm cố sổ tiết kiệm đóng, mở hay “bật đèn xanh“?

(ĐTTCO)-Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã từng khuyến cáo, song hình thức vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm vẫn rất phổ biến, thậm chí còn tăng mạnh trong thời gian gần đây do tác động bởi dịch Covid-19, và do các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng muốn “chạy đua thành tích” vào thời điểm cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng suy giảm.

Vay cầm cố sổ tiết kiệm đóng, mở hay “bật đèn xanh“?
Vay dễ dàng rủi ro cũng dễ đến
Chỉ cần lên Google gõ cụm từ “cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm”, sẽ hiện lên danh sách hàng loạt các ngân hàng giới thiệu, quảng cáo về hình thức cho vay thế chấp bằng chính sổ tiết kiệm, với hạn mức lên đến 95% thậm chí 100% giá trị sổ tiết kiệm cùng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
Điều này cũng có nghĩa, nếu sổ tiết kiệm của một khách hàng là chục tỷ đồng, khách hàng có thể được vay thế chấp bằng sổ cũng tương đương gần số đó mà không cần phải rút tiền từ sổ tiết kiệm. Không chỉ vậy, với hình thức cho vay này, thủ tục rất đơn giản và NH có thể giải ngân ngay lập tức mà không cần hỏi nhu cầu vay vốn của khách hàng, hoặc người vay không cần kê khai bất kỳ điều gì về mục đích sử dụng. 
Thực tế, nhiều khách hàng gửi tiết kiệm, sau đó cần tiền xử lý gấp công việc, nhưng nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp. Do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, chấp nhận lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm nhưng kỳ hạn vay ngắn hơn.
Với cách làm này, khách hàng được hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, NH cho vay cũng được hưởng lợi khi lãi suất cho vay thường cao hơn so với lãi suất trả cho người gửi tiết kiệm ở mức từ 3-4%.
Nhưng không phải khi nào hình thức vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng là câu chuyện “win-win” cho cả hai bên. Năm 2014, vụ án NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã làm rúng động giới tài chính - NH. Vụ án đã khiến cho vị chủ tịch HĐQT cùng nhiều lãnh đạo khác của NH này dính vào vòng lao lý và sự phức tạp kéo dài đến tận mấy năm sau đó. 
Một trong những nguyên nhân khiến cho VNCB gặp sự cố nói trên chính là cách làm biến tướng việc cho vay cầm cố bằng tiền gửi. Trong vụ án, vị chủ tịch HĐQT NH này đã cầm cố một số dư tiền gửi lớn của VNCB tại các NH khác, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty nằm trong liên minh của mình (Tập đoàn Thiên Thanh).
Khi đến hạn, các công ty con này không có tiền trả, NH thu nợ bằng số tiền cầm cố, dẫn đến thiệt hại cho chính VNCB. Cáo trạng trong vụ án thể hiện rõ việc thẩm định các khoản vay trên của các NH đều thiếu trách nhiệm, được phê duyệt thần tốc, quản lý sau vay lỏng lẻo, để người đi vay sử dụng vốn sai mục đích.
Cho đến tận phiên xét xử phúc thẩm, tính hợp pháp của khoản vay và số phận của khoản tiền được cầm cố vẫn là sự tranh cãi kịch liệt giữa các bên.
Nhưng không riêng gì Tập đoàn Thiên Thanh nói trên, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đã và đang sử dụng hình thức vay cầm cố qua tài khoản tiết kiệm để “lách” luật. Giả sử một DN đang có nhu cầu vay vốn của NH khoảng  1 tỷ đồng.
Để được phê duyệt khoản vay này, họ sẽ phải trải qua rất nhiều bước trong quy trình cấp tín dụng. Nhưng họ gần như biết chắc mình không phải đối tượng để NH chấp thuận khoản vay do không thể cung cấp đủ các giấy tờ như NH yêu cầu do  phương án kinh doanh không tốt, phương án trả nợ không tốt…
Trước tình thế trên, DN  này thuê một dịch vụ hoặc một ai đó mở sổ tiết kiệm với khoản tiền tương ứng 1 tỷ đồng. Sau thời gian ngắn, người thuê, dịch vụ thuê tiến hành làm thủ tục cầm cố sổ tiết kiệm.
Với cách này, DN  vừa được hưởng lãi suất vay thấp hơn nhiều so với đi vay tín dụng đen, đồng thời không phải chứng minh bất cứ thủ tục nào trong toàn bộ quy trình kiểm duyệt khắt khe khi phê duyệt khoản vay của NH.

Tăng trưởng ảo
Có lẽ đã đến lúc thay vì khuyến cáo, NHNN cần mạnh tay với các hành vi cố ý lợi dụng việc cho vay cầm cố để biến tướng, làm sai lệch các chỉ số. Đây cũng là cách để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống NH.
“Lỗ hổng” của hình thức cho vay này đã được NHNN nhận ra và khuyến cáo. Song có vẻ như sau 1 năm trôi qua, khuyến cáo trên của NHNN vẫn chưa được một số NH quan tâm đúng mức.
Thực tế, khách hàng khi có nhu cầu vốn mà sổ tiết kiệm chưa đến ngày đáo hạn cũng chọn phương án cầm cố sổ để vay lại. Các NH thì sẵn sàng cho vay bằng sổ tiết kiệm bởi không cần phải chứng minh phương án sử dụng vốn quá khắt khe như hình thức vay cầm cố bằng các tài sản khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi NHNN đưa ra lộ trình tiếp tục giảm vốn ngắn hạn, thay vào đó là cho vay trung - dài hạn, các NH lại càng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm dài ngày và không từ chối việc vay lại cầm cố bằng sổ tiết kiệm. Điều này càng được kích thích khi nhận được xung lực từ tác động bởi dịch Covid-19 và do các NHTM cũng muốn “chạy đua thành tích” vào thời điểm cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay trên đà suy giảm mạnh.
Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico, cho biết hiện nay nhiều NH lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Hình thức cho vay này được không ít NH áp dụng, nhất là từ khi NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng NH và trong bối cảnh tín dụng năm 2020 suy giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Đơn cử như khi NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đến cuối năm chưa đáp ứng, thì NHTM có thể sử dụng vài “vòng vay-gửi” có thể tăng vài phần trăm tín dụng từ đó làm nền để sang năm tới được giao chỉ tiêu cao hơn. Chỉ cần “lách” tạo một vòng gửi tiết kiệm - cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền, rồi sau đó lại gửi tiền - vay tiền sẽ khiến cho hệ số tiền gửi, tiền vay tăng theo cấp số nhân lên nhiều lần, dẫn đến dư nợ ảo, chỉ tiêu khống. 

Các tin khác