Theo báo cáo của VEPR, GDP trong quý IV-2019 ước tính tăng 6,97% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 đạt 7,02%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là 2 khu vực công nghiệp và xây dựng (50,4%), và khu vực dịch vụ (45%).
Khu vực nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2019 đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết như hạn hán, nắng nóng kéo dài, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu. Ngành khai khoáng tăng trưởng nhẹ sau 3 năm liên tiếp sụt giảm (1,29%).
Tính hết năm 2019, chỉ số PMI (quản lý sức mua) đã đánh dấu chuỗi 49 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,8%. Tính cả năm 2019, cả nước có tới 138.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2%. Tổng số vốn đăng ký và số lao động đăng ký tăng lần lượt 17,1% và 13,3%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, chỉ còn 72.400 doanh nghiệp.
Cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,9 tỷ USD trong năm 2019. Khu vực FDI xuất siêu 35,85 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 25,91 tỷ USD. Trong năm 2019, Mỹ trở thành thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với 46,4 tỷ USD. Tổng vốn FDI giải ngân đạt 20,4 tỷ USD trong năm 2019, chủ yếu là nhờ nguồn vốn đăng ký dồi dào từ những năm trước. Xét theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu trong năm 2019 với tổng số vốn đăng ký đạt 3,66 tỷ USD.
Chỉ số lạm phát (CPI) trong tháng 12-2019 tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Tính chung cho năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79% do điều chỉnh giá điện, giá nhiên liệu bất ổn và giá lương thực thực phẩm tăng cao.
Đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2019 tiếp tục gặp khó khăn khi nguồn cung căn hộ giảm trên cả 2 thị trường Hà Nội và TPHCM. Tại TPHCM, do việc phê duyệt dự án kéo dài, số lượng căn hộ mở bán mới và mở bán chỉ đạt lần lượt 3.600 và 5.400 căn trong quý IV-2019. Hiệu suất cho thuê bất động sản của TPHCM cũng giảm mạnh, tại một số quận tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt từ 4-7%.
Đáng chú ý, trong năm 2019, Việt Nam là 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Do đó, báo cáo của VEPR khuyến nghị NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan. Trong đó, trọng tâm là Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và cụ thể theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Về dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cho năm nay, VEPR dự báo GDP cả năm 2020 sẽ đạt mức 6,48% (trong đó, mức tăng trưởng lần lượt sẽ là quý I: 6,33%, quý II: 6,27, quý III: 6,58% và quý IV: 6,64%).