Lo ngại hàng hóa Trung Quốc…
Vào ngày 4-11 năm ngoái, Ấn Độ đã thông báo quyết định rời phòng đàm phán RCEP tại Bangkok. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi đó nêu lý do: “Hình thức hiện tại của Hiệp định RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất của RCEP. Nó cũng không giải quyết thỏa đáng các vấn đề và mối quan tâm còn tồn tại của Ấn Độ. Trong tình hình như vậy, Ấn Độ không thể tham gia Hiệp định RCEP ”.
Song theo các nhà phân tích, Ấn Độ lo ngại khi tham gia RCEP thị trường nội địa của họ sẽ bị lấn át bởi hàng nhập khẩu, dẫn đến ngành công nghiệp và nông nghiệp trong nước gặp rủi ro, một vấn đề chưa được giải quyết trong cuộc đàm phán thượng đỉnh ở Bangkok vào năm ngoái.
Việc không tham gia RCEP cũng sẽ thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) của ông Modi, và bảo vệ các lợi ích kinh tế và ưu tiên của đất nước. Bởi Ấn Độ thâm hụt thương mại lớn với các nước RCEP, và đang tìm kiếm các biện pháp bảo vệ cụ thể cho ngành công nghiệp và nông nghiệp của mình trước sự gia tăng nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các quốc gia RCEP là 105 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 53,5 tỷ USD. Nỗi lo chính là hàng hóa sản xuất của Trung Quốc và các sản phẩm sữa từ New Zealand tràn ngập các chợ Ấn Độ. Thương mại điện tử và các biện pháp phòng vệ thương mại là một trong những lĩnh vực quan tâm chính khác chưa được giải quyết thỏa đáng. New Delhi đã đề xuất các mức nhượng bộ thuế quan khác nhau cho Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của họ khỏi hàng nhập khẩu giá rẻ. Nhưng những vấn đề này không được đáp ứng.
Một số người cho rằng, RCEP có thể mang lại cơ hội trong lĩnh vực sản xuất liên quan đến chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Sản xuất GVC cho phép các tập đoàn lớn sử dụng nhiều quốc gia, do đó thu được lợi ích từ lao động rẻ hơn. Nhưng với chi phí nhân công ngày càng tăng ở Trung Quốc, các tập đoàn này đang xem xét các khu vực như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ để sản xuất sản phẩm. Nhưng nỗi sợ hãi ở Ấn Độ là các công ty Trung Quốc sẽ sử dụng “cửa sổ” này để bán nhiều sản phẩm của họ ở đây. Trong 3 năm qua, thuế chống bán phá giá của Ấn Độ đối với các công ty Trung Quốc luôn cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Một yếu tố chính trong quyết định của New Delhi là sản xuất của Ấn Độ không đủ sức cạnh tranh. Nỗi lo sợ một đợt tràn hàng nhập khẩu từ các nước đối tác RCEP sẽ quét sạch nhiều công ty Ấn Độ, cũng ẩn sâu trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách. Như đã đề cập, trong số 15 quốc gia khác trong RCEP, Ấn Độ có tổng thâm hụt thương mại hơn 105 tỷ USD. Có thể hiểu, Ấn Độ đã tìm kiếm các quy trình tự vệ như cơ chế tự vệ kích hoạt tự động (ATSM) - một quy trình tự động tăng thuế khi hàng nhập khẩu vượt qua một ngưỡng nhất định - mà các đối tác đàm phán coi là tác nhân gây khó chịu.
Sẽ tồi tệ hơn cho Ấn Độ…
Sẽ tồi tệ hơn cho Ấn Độ…
Trong một bài báo đăng trên Thời báo Kinh tế vào ngày 8-11-2019, Giáo sư Kinh tế Arvind Panagariya của Đại học Columbia cho rằng, Ấn Độ cần xem xét lại việc rút lui của mình, bởi vì việc đứng ngoài sẽ không có lợi cho kinh tế của Ấn Độ. Ông đặt nghi vấn đối với nhiều khẳng định từ các nhà bình luận cho rằng, các thỏa thuận thương mại trong quá khứ của Ấn Độ đã gây hại cho nền kinh tế của nước này và RCEP sẽ còn tệ hơn. Ông cũng bác bỏ các lập luận yêu cầu quay trở lại thời kỳ "tự cung tự cấp", và khẳng định rằng việc rút lui phản ánh sự yếu kém của chính phủ trước những nỗ lực của các hành lang bảo hộ.
Theo quan điểm vi mô và lưu ý đến phạm vi rộng lớn hơn của RCEP - trên 3 tỷ người và khoảng 40% GDP toàn cầu - Panagariya lập luận rằng việc tiếp cận thị trường này trên cơ sở miễn thuế “không ma sát” sẽ mang lại lợi thế to lớn cho hàng xuất khẩu Ấn Độ. Ông nhận xét thêm rằng, “nếu không có các rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu (do chính họ áp đặt) và hàng xuất khẩu (do các nước đối tác áp đặt), Ấn Độ sẽ có cơ hội tuyệt vời để tự hội nhập vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nơi sự tham gia của Ấn Độ đã ở mức thấp. Ấn Độ sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và cũng có thể tiếp quản sản xuất trong các lĩnh vực mà Trung Quốc hiện đang bỏ trống”.
Có những lo ngại rằng, quyết định của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương của nước này với các quốc gia thành viên RCEP, vì họ có thể có xu hướng tập trung hơn vào việc củng cố quan hệ kinh tế trong khối. Động thái này có thể khiến Ấn Độ không còn đủ khả năng để khai thác thị trường rộng lớn của RCEP, chiếm hơn 2 tỷ dân số thế giới.
Trước những nỗ lực của các quốc gia như Nhật Bản nhằm đưa Ấn Độ trở lại thỏa thuận, cũng có những lo ngại rằng quyết định của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến mạng lưới Australia-Ấn Độ-Nhật Bản ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Nó có thể có khả năng thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán không chính thức nhằm thúc đẩy Sáng kiến Khả năng Phục hồi Chuỗi cung ứng của 3 nước này.
Vẫn kỳ vọng Ấn nhập cuộc
Vẫn kỳ vọng Ấn nhập cuộc
Ấn Độ hiện được cho là sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại riêng biệt với một số quốc gia sẽ là một phần của khối, chẳng hạn như Australia và New Zealand, cũng như những nước mà các cuộc đàm phán không đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, chẳng hạn như Liên minh châu Âu. New Delhi cũng đang đồng thời đàm phán một hiệp định thương mại với Mỹ. Trong cả hai FTA này, Ấn Độ đều đang tìm kiếm những nhượng bộ tương tự trong RCEP, bao gồm luồng dữ liệu tự do, tích hợp thị trường nông nghiệp…
Ấn Độ với tư cách là một bên tham gia đàm phán ban đầu của RCEP, có quyền lựa chọn tham gia hiệp định mà không phải đợi 18 tháng như quy định đối với các thành viên mới trong các điều khoản của hiệp ước. Các quốc gia ký kết RCEP cho biết họ có kế hoạch bắt đầu đàm phán với Ấn Độ khi nước này gửi yêu cầu về ý định tham gia hiệp ước "bằng văn bản", và nước này có thể tham gia các cuộc họp với tư cách là quan sát viên trước khi gia nhập.
Tuy nhiên, giải pháp thay thế khả thi mà Ấn Độ có thể đang khám phá là xem xét các FTA song phương hiện có với một số thành viên RCEP cũng như các thỏa thuận mới hơn với các thị trường khác có tiềm năng xuất khẩu của Ấn Độ. Hơn 20 cuộc đàm phán đang được tiến hành.
Và vào lúc này, Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng. Đó là lý do tại sao các chuyên gia công nghiệp và thương mại ủng hộ quyết định không tham gia hiệp định RCEP của Ấn Độ. Ấn Độ muốn có các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu theo hiệp định. Nó muốn có các cơ chế tự vệ để ngăn chặn sự gia tăng nhập khẩu để bảo vệ lợi ích của ngành công nghiệp trong nước. Các chuyên gia thương mại cho rằng chính phủ phải có một chiến lược rõ ràng về các hiệp định thương mại.