Lợi thì có lợi…
Nói về RCEP, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp (DN) đưa hàng vào thị trường Nhật Bản, 1 trong 3 đối tác nhập hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.
Cho đến thời điểm này, với Nhật Bản Việt Nam đã có 3 FTA song phương và đa phương, gồm ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và CPTPP, nhưng vẫn chưa thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này, do không đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ nên không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Với RCEP có thể thu hút thêm DN nước ngoài, đặc biệt là DN Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư mảng nguyên phụ liệu - yếu tố quan trọng trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ cho các FTA khác Việt Nam đã ký kết.
Song nhìn ở góc khác, cơ hội chưa chắc đã dành cho DN Việt Nam. Theo phân tích của một DN, trong nhóm DN xuất khẩu dệt may, da giày bao gồm DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI-phần nhiều của Đài Loan, Trung Quốc) và DN Việt Nam. Khả năng cao, các DN FDI có nguồn gốc Trung Quốc sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội này trong cạnh tranh trực tiếp với DN Việt tại thị trường Việt Nam.
Chưa kể khi Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, các quốc gia khác trong RCEP như Trung Quốc (vốn trước đây chưa có FTA với Nhật Bản) cũng được hưởng điều này.
Dự báo hàng dệt may Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cuộc đua mới khi vào xứ mặt trời mọc. Trong khi đó, tỷ lệ tận dụng của DN Việt Nam với nhiều FTA vẫn còn khá thấp, trung bình chỉ khoảng 30%.
Tương tự như dệt may, nông sản cũng là mặt hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi khi RCEP có hiệu lực. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng với RCEP khả năng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam - sẽ tăng nhanh.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng trong cuộc chạy đua đẩy mạnh xuất khẩu, trái cây Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Malaysia, Philippines. Và để thắng được trong cuộc đua này, 2 yếu tố cần đảm bảo là giá và chất lượng, tức đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực để chinh phục các thị trường khó tính trong khối.
Một trong những lý do RCEP được đánh giá là “siêu FTA” bởi có thị trường tiêu thụ tới 2,2 tỷ người. Tuy vậy, các nước trong RCEP phần nhiều thuộc khối sản xuất (các sản phẩm có tính tương đồng và cạnh tranh cao với hàng Việt), không phải khối tiêu thụ hàng hóa “made in Vietnam”, nên chưa thực sự là miếng bánh hấp dẫn DN.
Cẩn trọng nguy cơ
Cẩn trọng nguy cơ
Cơ hội chưa chắc đã dành cho DN Việt Nam. Khả năng cao, các DN FDI có nguồn gốc Trung Quốc sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội này trong cạnh tranh trực tiếp với DN Việt tại thị trường Việt Nam. |
Nói về cán cân thương mại với RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong 1 hiệp định.
Do đó không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN. Vì thế chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu, và DN Việt, chủ yếu là DNNVV sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra.
Dù vậy, giám đốc một DN thuộc ngành hàng tiêu dùng chia sẻ lâu nay nhiều mặt hàng của Thái Lan được ưa chuộng ở Việt Nam và nhiều nước trong ASEAN, nên hàng Việt khi cạnh tranh trong khối rất vất vả. Nay có thêm RCEP sẽ thêm áp lực cho DN Việt.
Chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, có nghĩa các nước khác cũng vậy. Vấn đề là hiện nay trình độ tham gia của Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu vẫn còn hạn chế, thậm chí thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Đồng thời mức độ tham gia các công đoạn phức tạp của Việt Nam còn thấp. Theo báo cáo phát triển thế giới (WDR) năm 2020, mức độ tham gia của Việt Nam đang ở cấp độ “chế biến chế tạo mức hạn chế”, trong khi Malaysia, Thái Lan, Philippines đang ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến”.
Chia sẻ góc nhìn của mình, chuyên gia tư vấn tăng trưởng DN Phạm Việt Anh cho rằng mặt trái của các FTA về lâu dài là nguy cơ phá sản của ngành sản xuất yếu kém nội địa. Như vậy, nếu suy nghĩ một cách tích cực, các FTA sẽ tạo ra sức ép mạnh mẽ thúc đẩy DN trong nước về vi mô phải đổi mới để tồn tại, và vĩ mô phải đẩy nhanh tốc độ cải cách thể chế trong nước.
“Để xác định được lợi hại của các hiệp định phải có đầy đủ thông tin để suy xét thấu đáo theo hướng đa diện các lợi hại ngắn hạn và dài hạn, tính đa mục tiêu của các lĩnh vực, mới có thể đưa ra các nhận định xác thực. Tóm lại, lợi ích thấy rõ chỉ là trên lý thuyết. Cái khó nắm bắt nhất vẫn là động cơ, mục đích không nằm trên văn bản của các bên liên quan” - ông Việt Anh nhìn nhận.