PHÓNG VIÊN: - Tăng trưởng tín dụng đến ngày 15-6 chỉ đạt 3,36%. Không cho vay ra được nhưng NH vẫn chạy đua huy động bằng lãi suất cao phải chăng là nghịch lý, thưa ông?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trước hết phải nói rằng, tăng trưởng tín dụng đến 15-6 ở mức 3,36% là rất thấp, khi mục tiêu của cả năm là 14-15%. Hiện tượng tín dụng tăng trưởng thấp do các DN không có đơn đặt hàng nên họ không vay. Đồng thời, có DN vì lãi suất cao càng vay càng lỗ nên nhu cầu về tín dụng cũng giảm. Nguyên nhân nữa là nền kinh tế đang ở trong tình trạng trì trệ nên rủi ro tăng cao. Vì thế các NH cũng rất cẩn thận trọng cho vay.
Tuy nhiên, các NH vẫn đẩy mạnh huy động vốn với lãi suất cao. Tôi nghĩ vấn đề đến từ nợ xấu. Nợ xấu làm tính thanh khoản của NH rất thấp, do dòng vốn cho vay ra không trở lại với NH. Cho nên các NH vẫn phải huy động vốn để cho vay mới, cũng như để trả lại tiền cho người gửi tiền trước đây.
Hiện tại với nền kinh tế trì trệ như thế này, các NH sẽ vẫn tiếp tục huy động tiền để thanh toán cho khách hàng và để hỗ trợ những món vay mới, vì dù tín dụng tăng chậm hơn những năm trước nhưng họ vẫn đang cho vay.
- Nhưng NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ tư có giải quyết được việc lãi suất cao kéo dài suốt thời gian qua, thưa ông?
- Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cộng với giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng có kéo lãi suất cho vay xuống? Theo tôi, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã được kéo giảm khoảng 2-3%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trên thị trường vẫn còn cao nên mức giảm này không đáng kể để có thể hỗ trợ các DN. Điều này xuất phát từ việc chưa có sự liên thông giữa lãi suất điều hành và lãi suất thị trường.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã được kéo giảm khoảng 2-3%, nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao, cần phải giảm về khoảng 9%/năm để hỗ trợ DN.
Dễ thấy, lãi suất điều hành và mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang có khoảng cách rất lớn. Vì lãi suất điều hành nằm ở thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên NH) và từ thị trường 2 xuống thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) luôn có khoảng cách, độ trễ.
Tiếp tục từ thị trường 1 đến thị trường lãi suất cho vay lại còn khoảng cách nữa. Với cơ cấu về thị trường lãi suất của Việt Nam như vậy, việc giảm lãi suất điều hành phải qua nhiều chặng và có độ trễ để kéo lãi suất cho vay xuống. Chính vì thế, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng cũng chưa tác động nhiều đến lãi suất cho vay.
Thêm nữa, lãi suất cho vay không phải chỉ dựa vào chi phí vốn đầu vào, còn bao gồm cả hàm số của rủi ro. Cụ thể, lãi suất cho vay dựa trên nền tảng lãi suất huy động cộng thêm biên độ lợi nhuận - hàm số của rủi ro - khoảng 3%. Khi rủi ro tăng, biên độ lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Tại thời điểm này, các NH đang giữ biên độ lợi nhuận khá cao vì rủi ro của nền kinh tế tăng lên, các DN sức khỏe yếu kém. Chính vì vậy, lãi suất cho vay vẫn còn cao.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất điều hành vừa qua có những tác dụng nhất định đến tâm lý thị trường. Cụ thể, trong những ngày qua thị trường chứng khoán tăng điểm, nhưng không tác động nhiều đến nền kinh tế. Vì giá chứng khoán trên các sàn giao dịch phần lớn nằm trên thị trường thứ cấp, tức thị trường mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư với nhau.
Thế nên, giá chứng khoán lên là dấu hiệu tốt, nhưng chỉ có lợi cho người đã nắm giữ chứng khoán, tiền đó không đi vào DN. Đồng nghĩa, tác động của thị trường chứng khoán đối với DN hầu như không có.
- Như vậy DN vẫn phải tiếp tục chờ, thưa ông?
- Thực tế, chỉ có lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng mới được NHNN điều chỉnh, còn lãi suất huy động trên 6 tháng được thả nổi. Cũng cùng nguyên tắc đó, lãi suất cho vay cũng vậy, NHNN không thể áp đặt mức lãi suất nào để các NH sử dụng được. Trong kinh tế thị trường, lãi suất là hàm số của chi phí vốn và rủi ro. Trong trường hợp chi phí vốn hạ nhưng rủi ro cao, các NH cũng vẫn phải cho lãi suất cho vay cao.
Thí dụ, một món cho vay có biên độ lợi nhuận 3%. Khi một món vay có giá trị 100 đồng chuyển thành nợ xấu, NH phải dùng lợi nhuận từ món vay của 33 DN khác để bù trừ thiệt hại cho món vay này. Nếu nợ xấu tăng mạnh hơn, NH sẽ tăng biên độ lợi nhuận lên 5% để bù trừ thiệt hại cho các món nợ xấu.
Cũng tương tự như một loại bảo hiểm, NH sẽ lấy từ số đông để xử lý trường hợp riêng lẻ. Chính vì thế, Chính phủ muốn, NHNN cũng giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất vay không hạ như mong muốn.
- Vậy theo ông giải pháp nào để hỗ trợ DN hợp lý trong lúc này?
- Ở thời điểm hiện nay, DN rất khó khăn. Hỗ trợ DN lúc này không chỉ là giảm lãi suất, còn phải giúp DN vay được. Theo đó, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho DN vay NH. Còn nếu không có quỹ bảo lãnh, để các NH cho vay họ vẫn cho vay theo quy luật thị trường và không thể giảm lãi suất được.
Ở thời điểm này, ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tạm dừng tăng lãi suất. Do đó, chúng ta không chịu áp lực từ những chính sách của các NH Trung ương trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối khả quan. 2 yếu tố đó có thể giúp Việt Nam giảm lãi suất được.
Dĩ nhiên, giảm lãi suất cũng là một con dao 2 lưỡi. Khi lãi suất của Việt Nam giảm sâu có thể ảnh hưởng tới ngoại hối và chính sách tiền tệ. Với 2 thuận lợi vừa nêu trên, quan điểm của tôi nên tiếp tục giảm lãi suất, để kéo giảm lãi vay xuống dưới 10%/năm, tức về khoảng 9%/năm.
- Xin cảm ơn ông!