Dòng vốn bị ứ đọng đang được tìm cách giải thoát, trong khi đó chính sách hỗ trợ từ tài khóa vẫn còn dư địa, cụ thể là gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỷ đồng được áp dụng từ năm 2022, cho đến nay vẫn gần như “tịt ngòi”.
Lo trước lo sau, cản đường gói hỗ trợ
Từ số liệu được công bố về tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần đây nhất cho thấy, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% vẫn tiếp tục đứng chót bảng về kết quả thực hiện so với các chính sách khác. Cụ thể theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 9 các NH đã thực hiện hỗ trợ lãi suất khoảng 873 tỷ đồng cho hơn 2.200 khách hàng, tức khoảng 2,3% tổng hạn mức hỗ trợ.
Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm được triển khai trong 2 năm 2022-2023. Còn nhớ năm ngoái, khu vực sản xuất hàng hóa dịch vụ phục hồi chậm chạp, trong khi đó thị trường chứng khoán và bất động sản lại đang rất nóng, hút vốn nhanh và mạnh dưới nhiều hình thức.
Điều đó dấy lên tâm lý NH lo ngại là có thể các đơn vị không tuân thủ quy tắc “cuộc chơi”, đưa vốn không đến đúng địa chỉ hoặc không kiểm soát chặt chẽ đường đi của những khoản hỗ trợ, sẽ dễ lặp lại vết xe đổ trong quá khứ, cụ thể là tiền sẽ chảy vào chứng khoán và bất động sản. Nhưng thực tế kỳ vọng tiếp cận nguồn này chỉ gióng lên trong năm 2022 rồi gần như rơi vào quên lãng trong năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã giải trình trước Quốc hội, gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa như kỳ vọng vì kinh tế vừa qua khó khăn, nên doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện không muốn vay, đơn vị muốn vay không đáp ứng tiêu chí. Hay quy định dự án có khả năng phục hồi mới được vay vốn, cũng khiến cả bên cho vay và người vay đều ngại, không biết nên hiểu thế nào là phục hồi cho đúng.
Còn NHNN trước đó cho biết, DN đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, do tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), lo ngại bị thu hồi số tiền hỗ trợ… Thậm chí một số khách hàng nhận hỗ trợ đã chủ động hoàn trả NH toàn bộ số tiền đã được hỗ trợ.
Từ góc độ khác, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, từ đầu công tác truyền thông của NHNN chưa đi trước, chưa mang tính định hướng. Về khách quan, đúng là do tâm lý e ngại về hồ sơ thủ tục hậu kiểm của khách hàng vay, hay việc khách hàng gặp khó khăn về chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn khi kinh doanh đa ngành nghề.
Nhưng về chủ quan, các NH chưa chủ động. Một số NH rà soát có hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, nhưng thực tế số tiền hỗ trợ lãi suất lại bằng 0.
Giải pháp nào để hỗ trợ DN?
Theo nhiều chuyên gia nhận định, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội như là xe cấp cứu, nhưng các tài xế lại cảm thấy phải đảm bảo an toàn nên chạy từ từ, dẫn đến quyết sách vào thực tế chậm. Nói cách khác, gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai nhưng không một nhà băng nào thích đẩy mạnh gói này.
Thật ra cũng không khó hiểu về hành động của các NH. Bởi lẽ hỗ trợ này hướng đến các DN, hộ kinh doanh và hợp tác xã thuộc một số nhóm ngành lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Các nhóm này chủ yếu là đối tượng DN nhỏ và vừa (DNNVV), vốn có nhiều rủi ro đối với các NH.
Phía các DN, một phần cân nhắc thiệt hơn, phần khác không còn tài sản thế chấp để được vay gói hỗ trợ. Dây dưa lâu ngày dẫn đến không còn nhiều DN mong chờ được tiếp cận, và cho đến thời điểm này gói hỗ trợ lãi suất 2% đã sắp kết thúc với một kết quả đáng buồn.
Mới đây tại tọa đàm bàn về liên kết DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyên gia tài chính TS. Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, DN Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính khi theo đuổi mục tiêu này. Trong đó, thiếu vốn và lãi suất cao khó cạnh tranh là hai vấn đề đặt ra.
Theo ông Hòe, hiện có 4 chữ trong quy định pháp luật hiện hành đã cản trở DNNVV trong tiếp cận vốn rẻ là "lành mạnh" và "minh bạch" về tài chính, điều mà NH yêu cầu ở DN trước khi giải ngân cho vay. Trong đó khó nhất là minh bạch, vì DN muốn chứng minh được phải kiểm toán, nhưng có đến hàng trăm ngàn DNNVV ai sẽ kiểm toán để họ có cơ sở để tiếp cận vốn?
Ông Hòe cho biết, hiện đang tham gia nghiên cứu cùng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Tài chính) về đề án quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) quy mô quốc gia cho các DNNVV dựa trên kinh nghiệm từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Góp ý của ông về quỹ này là phải áp dụng cơ chế tín chấp, không yêu cầu DN thế chấp như vay NH. Đồng thời, ông kiến nghị điều chuyển 50% giá trị của gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi sang quỹ này.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH chia sẻ, với tăng trưởng tín dụng, Chính phủ muốn, NH cũng muốn, nhưng nền kinh tế chưa muốn. Hiện tại có thể kỳ vọng năm sau nền kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn, vì Fed đã tuyên bố ngừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng không chỉ dựa vào tác động từ chính sách tiền tệ của Mỹ, mà cần phải vực dậy nền kinh tế trong nước bằng cách tăng được sức cầu. Đầu tư công sẽ là động lực rất lớn, bên cạnh đó là kích cầu tiêu dùng trong nước. Thiết thực nhất, Chính phủ phải thành lập ra Quỹ BLTD quốc gia hỗ trợ cho các DN yếu có thể vay vốn, và phải xem đó là chi phí của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế.
Theo ông Hiếu, hiện Nghị định 34/2018 của Chính phủ quy định, các quỹ BLTD địa phương có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng. Tính trên cả nước, có gần 30 quỹ BLTD hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Quy mô này rất nhỏ, không thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của DN. Đồng thời, quy trình xét duyệt đơn xin bảo lãnh khó khăn và Nghị định 34/2018 còn quy định quỹ BLTD phải tuân thủ nguyên tắc bảo toàn vốn và đòi hỏi có thế chấp… Các quy định đó bóp nghẹt hình thức BLTD.
Hoạt động BLTD ở Mỹ được kiểm soát chặt chẽ, nhưng bảo lãnh cho DN gần như vô điều kiện và bồi thường nhanh nên các NH rất tin tưởng các quỹ, từ đó thúc đẩy các quỹ chăm lo cho DNNVV. Đó là một điển hình Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng.