Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, tính đến tháng 8/2020, các dự án điện tư nhân đã được đầu tư và đưa vào vận hành có tổng công suất 16.400 MW, chiếm tỷ lệ khoảng 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống. Song hiện rất nhiều dự án đang bị chậm tiến độ, một số dự án chưa thể xác định được thời gian vận hành đã làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia vào những năm tới.
Nhiều thủ tục phức tạp
Đền bù mặt bằng luôn là một khó khăn đối với các công trình xây dựng, đặc biệt với các dự án điện hiện nay, bởi ngoài giải phóng mặt bằng, các dự án này còn liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng vốn có thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian.
Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, ngoài các khu vực nội đô, trung tâm các thành phố/tỉnh thành thường xuyên gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đã xuất hiện thêm các khu vực do sự phát triển nóng các nguồn điện năng lượng tái tạo dẫn đến giải phóng mặt bằng càng khó khăn, nhất là trong điều kiện yêu cầu gấp về tiến độ dự án đồng bộ nguồn năng lượng tái tạo. Các trường hợp này đang xảy ra tại Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu vùng xa, làm ảnh hưởng đến xác định nguồn gốc đất, gây tranh chấp khiếu kiện kéo dài; đơn giá bồi thường còn bất cập, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh; không có quy định đối với công trình mở rộng đất mượn, dẫn tới người dân hỏi chi phí đền bù đến vô lý.
Ngoài ra, việc đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các dự án điện, đặc biệt là các dự án đường dây và trạm gặp khó khăn do các quy định về trình tự, thủ tục và hồ sơ theo Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không thực sự phù hợp với quy định tại Luật Xây dựng và các liên kết hướng dẫn văn bản. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng.
Một vấn đề nữa được ông Hiếu đề cập là thủ tục xin phép mục tiêu sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án rất đặc biệt, phải chuyển qua lại giữa các ngành, địa phương nhiều cấp để kiểm tra, rà soát làm ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện bước chuẩn bị đầu tư xây dựng.
Đường dây 500 kV Mạch 3 bao gồm các dự án: Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2. Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi; đồng thời tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam.
Thế nhưng, đến nay, dự án vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong thủ tục liên quan đến rừng; bồi thường giải phóng mặt bằng tại các vị trí móng và hành lang tuyến. Một số địa phương vẫn chưa phê duyệt phương án bồi thường phần hành lang tuyến, một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng với lý do đơn giá đền bù thấp.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên toàn tuyến đối với thủ tục rừng còn chưa bàn giao khoảng 20 vị trí; trong đó chủ yếu ở Quảng Nam.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các vị trí chưa bàn giao chủ yếu đang làm thủ tục tận thu cây rừng trên vị trí móng của 21 vị trí, tỉnh Quảng Ngãi đang làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Với mặt bằng đến thời điểm hiện tại đã bàn giao là 1.540 vị trí, đạt 96%; phần hành lang tuyến đã bàn giao 927 khoảng cột, đạt 57,72%. Các vị trí vướng mắc tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Theo đánh giá của ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia, tình hình thi công toàn tuyến còn rất chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Nguyên do nhiều nhà thầu chưa tập trung nguồn lực, nhiều địa phương vẫn chưa hỗ trợ quyết liệt để đơn vị thi công triển khai, các khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đang còn căng thẳng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải cần sự vào cuộc của tất cả các bên.
Cũng theo ông Hoàng Trọng Hiếu, một số địa phương còn thiếu đồng bộ giữa quy hoạch điện lực với quy hoạch sử dụng đất, nhiều dự án lưới điện đã có trong quy hoạch phát triển điện lực nhưng chậm đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gây ảnh hưởng đến thỏa thuận hướng tuyến và bồi thường. Sự vào cuộc của chính quyền tại một số địa phương trong quá trình thực hiện các dự án điện còn chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng.
Vào cuộc đồng bộ
Ninh Thuận là một trong những địa phương đang phát triển nóng về năng lượng trên cả nước. Hiện tỉnh đã thu hút khoảng 54 dự án đầu tư năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.000 MW, tổng vốn hơn 78.500 tỷ đồng. Đây là con số vốn đầu tư kỷ lục của Ninh Thuận.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích đất khác đối với các công trình truyền tải điện, như đường dây 220 kV Nha Trang-Tháp Chàm; đường dây 500 kV Thuận Nam-Vĩnh Tân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, quá trình đền bù giải phóng mặt bằng chưa được người dân đồng tình cao, còn khiếu nại, tranh chấp dẫn đến ảnh hưởng tiến độ dự án và các công trình truyền tải.
Ông Supa Waisayarat, Giám đốc khu vực của Tập đoàn Super Energy Việt Nam cho hay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, việc này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, việc giải phóng mặt bằng hết sức quan trọng đối với nhà đầu tư để đạt được tiến độ, vì vậy, việc thỏa thuận đền bù cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ hơn của chính quyền địa phương để người dân hiểu và có tiếng nói chung với doanh nghiệp.
“Mặc dù doanh nghiệp cũng đã nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương, tuy nhiên, việc hỗ trợ này chưa thực sự sâu sát. Các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời được đầu tư xây dựng theo cơ chế khuyến khích của chính phủ Việt Nam đều có mốc tiến độ hoàn thành để đạt ưu đãi. Nhiều nơi, người dân địa phương nhận thức được điều này nên cố tình ép giá đền bù doanh nghiệp, nâng giá trị đền bù lên gấp nhiều lần so với giá trị thực, hoặc xây dựng các công trình tạm để nâng hạng mục đền bù, việc này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong thỏa thuận, đặc biệt việc này không chỉ ở từng hộ riêng rẽ mà nhiều khi là cả một nhóm người hay một cụm dân cư…” ông Supa Waisayarat chia sẻ.
Nên chăng, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền tới người dân để hiểu việc doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương không phải là đến lấy đất, gây tác hại môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, mà là phần nào đó mang đến cơ hội phát triển cho địa phương, cơ hội việc làm…, Giám đốc khu vực của Tập đoàn Super Energy Việt Nam cho hay.
Nói thêm về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Hiếu, đại diện Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi đất rừng để đảm bảo tiến độ thực hiện đầu tư các dự án điện; trong đó đề nghị khẩn trương có hướng dẫn đầy đủ, thống nhất các hồ sơ thủ tục, trình tự về chuyển đổi đất rừng để các chủ đầu tư và các địa phương thực hiện.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cấp quận/huyện, xã/phường nâng cao trách nhiệm trong quản lý đất đai, tránh trường hợp người dân tự ý xây dựng trong mặt bằng đã được chấp thuận thực hiện các dự án điện; đẩy nhanh quy trình, thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng và chuyển mục đích sử dụng rừng, đồng thời phối hợp và hướng dẫn chủ đầu tư các thủ tục, hồ sơ cần thiết để thực hiện nhanh theo quy định.
Chương trình phát triển nguồn và lưới điện của Quy hoạch điện VIII yêu cầu tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 133,3 tỷ USD. Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, sẽ cần rà soát, hoàn thiện các chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng. Để từ đó tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; khuyến khích các dự án đầu tư năng lượng…