Vì sao tỷ giá USD/VNĐ 'tái sốt' ngay đầu năm?

(ĐTTCO) - Sau khi hạ nhiệt vào cuối năm 2023, ngay tháng 1-2024 tỷ giá USD/VNĐ lại “vùng vẫy” tăng mạnh ngoài dự báo. Cụ thể, giá bán USD tại một số ngân hàng thương mại đã vượt mốc 24.800 đồng, và thị trường tự do tăng lên 25.120 đồng. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đồng loạt tăng tỷ giá USD/VNĐ

Dù trải qua nhiều sóng gió nhưng kết thúc năm 2023, tỷ giá USD/VNĐ vẫn ổn định hơn so với năm 2022. Tính đến ngày 29-12-2023, tỷ giá USD/VNĐ liên NH ở mức 24.267 đồng, chỉ tăng 2,7% tính từ đầu năm. VNĐ tiếp tục là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực.

Tuy nhiên, sóng gió trên thị trường ngoại hối chỉ tạm lắng trong thời gian ngắn. Kể từ giữa tháng 1-2024, tỷ giá không ngừng tăng mạnh trên các thị trường. Đến ngày 24-1, giá USD tại các NH đã đồng loạt thiết lập mặt bằng rất cao.

Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua-bán 24.400-24.770 đồng/USD, tăng 350 đồng so với cuối năm 2023, tương ứng mức tăng 1,4%. Cùng thời điểm, một số NH nâng giá bán USD vượt mốc 24.800 đồng. Như Sacombank niêm yết giá mua-bán 24.410-24.875 đồng/USD. MSB giao dịch mức 24.391-24.811 đồng/USD.

Tỷ giá tham khảo tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước cũng ở mức cao 23.400-25.182 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm của NHNN đã vượt mốc 24.000 đồng từ ngày 17-1, sau gần 2 tháng rời khỏi mức này.

Dù sẽ có những biến động mạnh ở cả 2 chiều tăng và giảm trong năm 2024, nhưng tỷ giá USD/VNĐ cả năm chỉ sẽ tăng khoảng 1-2%.

Đáng chú ý, sóng tỷ giá đặc biệt “vỗ mạnh” trên thị trường tự do. Trong phiên đầu năm 2024, tỷ giá trên thị trường này giảm mạnh 100 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán, xuống mức 24.620-24.700 đồng/USD.

Các phiên sau đó dao động tăng giảm ở biên độ nhỏ, nhưng bất ngờ tăng vọt 120 đồng vào ngày 15-1, lên mức 24.870-24.970 đồng/USD, sau đó đảo chiều giảm. Phiên 22-1, mỗi USD trên thị trường tự do tăng 180 đồng chiều mua và 200 đồng chiều bán, lên mức 24.980-25.080 đồng/USD. Ngày 25-1, giá mua bứt phá lên 25.070 đồng và giá bán lên 25.120 đồng. So với cuối năm 2023, tỷ giá chợ đen đã tăng 420 đồng, tức tăng 1,7%.

Tỷ giá tăng rất mạnh trong trong mấy ngày qua dù các thông tin về nguồn ổn định tỷ giá của Việt Nam rất tích cực. Chẳng hạn, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong năm 2023 đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với 2022 và là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trên cả nước, NHNN dự báo năm 2023 lượng kiều hối chuyển về nước tăng 25-30% so với năm 2022. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nguồn kiều hối đổ về Việt Nam đạt 14 tỷ USD trong năm 2023. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết,- vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD, xếp thứ 3 về số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 2008-2023.

Giải ngân vốn FDI cũng đạt kỷ lục khi ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022. Một số nguồn tin cho biết, dự trữ ngoại hối năm 2023 cải thiện so với năm 2022, được dự báo đạt hơn 110 tỷ USD trong năm 2024.

Vì đâu tăng mạnh?

Lý giải về nguyên nhân tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh, một chuyên gia kinh tế cho rằng do chịu ảnh hưởng đồng USD tăng mức cao nhất so với rổ tiền tệ cùng loại trước kỳ vọng. Trong nước, theo yếu tố mùa vụ nhu cầu thu - đổi ngoại tệ cuối năm tăng ở thời điểm cận Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, chênh lệch đồng USD hiện lãi suất cao hơn 5% hút dòng tiền chảy khỏi Việt Nam. 2023 là năm thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài, với khoảng 1 tỷ USD chạy về nơi lãi suất cao hơn. Đồng thời, chênh lệch lãi suất USD-VNĐ trên thị trường liên NH có xu hướng giãn rộng trở lại.

Hồi cuối tháng 9-2023, để khắc phục tình trạng thừa tiền trong hệ thống NH và tránh tình trạng đầu cơ tỷ giá, NHNN đã thực hiện 34 đợt phát hành tín phiếu với giá trị 360.345 tỷ đồng. Động thái này đã đẩy lãi suất trên thị trường liên NH tăng, góp phần rút chênh lệch lãi suất USD và VNĐ trên thị trường liên NH xuống còn 2-3%/năm.

Nhưng sang tháng 1, lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH lại rơi xuống đáy trong bối cảnh thanh khoản NH dồi dào, lãi suất huy động giảm sâu, lãi suất cho vay qua đêm VNĐ trên thị trường 2 chỉ còn 0,13% tại ngày 24-1. Theo đó, chênh lệch giữa lãi suất USD và VNĐ trên liên NH ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần tăng trở lại mức 4,5-5%, đã kích thích các hoạt động đầu cơ, tạo sức ép lên tỷ giá.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO của CTCP WiGroup, nhận định tỷ giá đang và sẽ là vấn đề nóng trong năm 2024. Tuy nhiên, điều này đến từ những yếu tố ngắn hạn, không phải do thiếu hụt USD trong nền kinh tế. Với mức chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới quá cao, các cơ quan thị trường, doanh nghiệp vàng đang gây sức ép để NHNN nhập khẩu vàng, hỗ trợ thị trường và thu hẹp khoảng cách giá.

Diễn biến này đã gây tác động tâm lý lên tỷ giá. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng giá USD tăng mạnh không loại trừ nhu cầu buôn lậu vàng tăng cao. Trên thực tế, giá USD tự do lâu nay vẫn có xu hướng chịu ảnh hưởng từ chênh lệch của giá vàng. Còn chênh lệch giá vàng thế giới và vàng miếng SJC hiện khoảng 15 triệu đồng mỗi lượng và với giá vàng nhẫn khoảng 3 triệu đồng.

Tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" diễn ra sáng 25-1, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cảnh báo khi giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng. Khi lợi nhuận càng cao, tình trạng buôn lậu sẽ diễn ra càng lớn, vì giữa lợi nhuận và xác suất bị phát hiện khi buôn lậu, dù có thể bị bắt giữ vẫn có thể bù lại được.

Nhìn chung, tỷ giá vẫn sẽ là bài toán lớn cho nhà điều hành trong năm 2024. Song ngoài những khó khăn cũng có một số yếu tố hỗ trợ cần ghi nhận. NHNN đã rất linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá các năm qua, nên thị trường vẫn kỳ vọng tỷ giá cả năm chỉ biến động trong biên độ hẹp.

Ở thời điểm hiện tại, các tổ chức tài chính cũng đồng dự báo, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần trong năm nay, chỉ số Dollar Index sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 100 điểm.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đạt thặng dư thương mại và cán cân thanh toán cao kỷ lục trong năm 2023 và sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2024. Nguồn vốn FDI dự báo tích cực hơn, trong khi kiều hối về Việt Nam theo dự báo của WB sẽ đạt 14,4 tỷ USD trong năm 2024.

Các tin khác