Thay thế Trung Quốc?
Theo EIU, Trung Quốc đã có sự chuyển mình ngoạn mục để trở thành cường quốc sản xuất trên thế giới. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nước này chỉ đóng vai trò nhỏ trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu.
Nhưng sau nhiều năm cải cách nền kinh tế xung quanh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc đã khẳng định mình là nhà máy giá rẻ của thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như dệt may, đồ chơi, quần áo, giày dép và đồ nội thất.
Các ngành công nghiệp này là bàn đạp, cho phép Trung Quốc phát triển kinh tế và chuyển sang sản xuất các mặt hàng tiên tiến hơn như đồ điện tử. Với việc giáo dục và tiền lương đang gia tăng, lợi thế về chi phí bị thu hẹp, cộng với tác động từ thương chiến Mỹ-Trung, Bắc Kinh đang tập trung vào lĩnh vực sản xuất cao cấp hơn, dựa vào tiêu dùng nội địa để thúc đẩy nền kinh tế, "nhường lại” công việc sản xuất hàng hóa giá rẻ, thâm dụng lao động cho nước khác.
Vậy những nước nào sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này? Theo Gordon Hanson, GS. Kinh tế học Trường Harvard Kennedy, đó là Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam. Nhưng trong đó chỉ Bangladesh, Campuchia và Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể về tỷ trọng xuất khẩu thâm dụng lao động trên toàn cầu trong 2 thập niên qua.
Cụ thể Bangladesh đã phát triển thành nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ 2 thế giới nhờ chi phí thấp, còn Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế ưa thích cho Trung Quốc để sản xuất giày thể thao và hàng dệt may.
“Bangladesh và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Nếu phải chỉ ra ai là Trung Quốc tiếp theo, đó chính là họ. Vấn đề là họ chưa đủ lớn để sản xuất theo cách Trung Quốc đã làm ở Đông Á những năm 1990. Tổng dân số của 2 nước này chỉ khoảng 260 triệu người, chưa bằng 20% so với tổng số 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Tính theo năng suất kinh tế, họ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc” - GS. Gordon Hanson nói.
Tuy nhiên, ông Joseph Incalcaterra của HSBC Global Research, cho rằng Việt Nam đang nổi lên nhờ thành công trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và sẽ gặt hái trái ngọt từ thành quả này: "Việt Nam đã xử lý virus rất ấn tượng, cho phép đất nước duy trì là “điểm đến rất tốt” cho đầu tư FDI. Chúng ta thấy thực tế FDI trong năm nay vẫn chảy rất mạnh mẽ vào Việt Nam".
Đối thủ Ấn Độ
Đối thủ Ấn Độ
Đối thủ chính của Việt Nam trong việc thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới không phải Banglades, Campuchia hay Singapore, mà là gã khổng lồ Ấn Độ. |
Trong khi đó, dù có vị trí địa lý khá thuận lợi với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam có 44 cảng biển, lưu thông khoảng 400-500 triệu tấn hàng hóa/năm, thấp hơn nhiều so với Ấn Độ 1.500 triệu tấn/năm. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam đến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cao hơn (50-100%) so với Ấn Độ.
Về áp dụng công nghệ và tự động hóa, Ấn Độ đứng thứ 18 còn Việt Nam đứng thứ 24 về Chỉ số sẵn sàng tự động hóa. Tổng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển (R&D) của Ấn Độ gấp đôi so với Việt Nam.
Hiện chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị kế hoạch chi tiết để tăng tốc chuyển đổi sản xuất kỹ thuật số. Nhiều tổ chức đã thực hiện các bước thành lập các trung tâm công nghiệp 4.0. Các sáng kiến của chính phủ như sản xuất tiên tiến thông minh, trung tâm chuyển đổi nhanh (SAMARTH) - Udyog Bharat 4.0, cũng sẽ tăng cường áp dụng công nghiệp 4.0 ở Ấn Độ.
Việt Nam cũng đang triển khai các chính sách thúc đẩy áp dụng công nghiệp 4.0, song bị phụ thuộc vào đầu tư từ các quốc gia như Nhật Bản. Rất ít công ty Nhật Bản như Daikin đã đầu tư công nghệ tự động hóa tại Việt Nam. Vì thế, nhiều công ty Việt Nam đang bị tụt hậu trong ứng dụng công nghiệp 4.0.
Về lao động, dù báo cáo của EIU chấm điểm Việt Nam cao hơn Ấn Độ, nhưng dữ liệu khác cho thấy Ấn Độ vượt trội so với Việt Nam. Ấn Độ có lực lượng lao động hùng hậu với hơn 500 triệu người và khoảng 5-10 triệu người được bổ sung mỗi năm. Mức lương ngành sản xuất hàng tháng dao động 110-130 USD.
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 57,5 triệu lao động, với mức lương trung bình 130-190 USD/tháng. Năm 2019, Ấn Độ hợp nhất 44 luật lao động thành bộ 4 luật mới để điều chỉnh tiền lương, quan hệ lao động, cung cấp an sinh xã hội và điều kiện làm việc. Vào tháng 5-2020, Ấn Độ đã công bố cải cách luật lao động, loại bỏ vai trò của thanh tra lao động hoặc sự can thiệp của chính phủ trong việc thuê hoặc sa thải công nhân.
Mục tiêu là cung cấp cho các doanh nghiệp sự linh hoạt và tự do hơn trong hoạt động.
Về nguyên liệu, các nhà sản xuất Việt Nam trong các ngành công nghiệp dựa vào nhập khẩu để sản xuất hàng hóa. Phần lớn nguyên liệu được lấy từ bên ngoài.
Về nguyên liệu, các nhà sản xuất Việt Nam trong các ngành công nghiệp dựa vào nhập khẩu để sản xuất hàng hóa. Phần lớn nguyên liệu được lấy từ bên ngoài.
Trên thực tế, 70-80% nguyên liệu dệt và nhựa, 75-80% linh kiện điện tử và 85-90% nguyên liệu dược phẩm đến từ Trung Quốc. Trong khi đó, năng lực sản xuất nguyên liệu thô của Ấn Độ rất mạnh. Đồng thời, nước này là nhà sản xuất bông lớn nhất và nhà sản xuất thép lớn thứ hai trên toàn cầu. Do đó, nguồn nguyên liệu sẵn có rất dễ dàng.
Tính đến giữa năm 2020, khoảng 1.000 công ty Mỹ có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ khỏi Trung Quốc, trong đó khoảng 300 công ty là nhà sản xuất điện thoại di động, thiết bị điện tử, thiết bị y tế, dệt may và chế biến thực phẩm. Ấn Độ đang thực hiện một số sáng kiến để trở thành trung tâm sản xuất mới và thu hút các nhà sản xuất nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Chúng bao gồm giảm thuế doanh nghiệp, cải cách thu hồi đất, và nới lỏng định mức FDI... Chính phủ Ấn Độ cũng phát triển quỹ đất rộng 461.589ha, lớn gần gấp đôi Luxembourg, để thu hút các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự thay thế cho Trung Quốc.