Nâng cấp mối quan hệ
Việt Nam và Mỹ tuy có sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, nhưng đã xây dựng được sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Trong đó, việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau đã thành cơ sở và nền tảng để 2 nước không chỉ hợp tác ở mức bình thường, mà hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Có thể nhìn thấy trong 10 năm qua, các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ đã được nhân lên rất nhiều, từ hợp tác chính trị đến hợp tác kinh tế, hợp tác thương mại - đầu tư, an ninh khu vực cho đến đa phương quốc tế.
Tuy nhiên, quan hệ Việt - Mỹ đã không bó hẹp trong quan hệ song phương 2 nước, mà nếu đặt nó trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới hiện nay, có thể thấy mang tầm quan trọng đặc biệt. Bởi trong quá trình quan hệ với Mỹ, Việt Nam chủ động đổi mới, hội nhập, phát huy vị thế và quan hệ quốc tế của mình.
Đây cũng là nhân tố để thúc đẩy quan hệ với các nước, trong đó với Mỹ. Bởi khi Việt Nam đổi mới về kinh tế, kinh tế có sự phát triển. Việt Nam hội nhập, tham gia sâu các định chế kinh tế quốc tế và khu vực như WTO, CPTPP, RCEP, các FTA, hiện đang đàm phán để tiến tới gia nhập IPEF (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng). Điều này đã tạo ra vai trò đặc biệt của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính vị trí này, gắn kết Mỹ và các định chế kinh tế lớn, và bản thân Mỹ cũng cần thiết đối với Việt Nam và ngược lại. Ở đây là 2 chiều. Cũng chính sự hội nhập của Việt Nam đã tạo cho Việt Nam - quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng - nay lại có thêm vị thế cao hơn rất nhiều ở khu vực cũng như trên thế giới.
Bất cứ ai, quốc gia nào khi quan tâm và muốn kết nối quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều không thể bỏ qua Việt Nam - với vai trò vừa là cầu nối, vừa là trung tâm. Khi đặt Mỹ trong mối tương quan với các quan hệ quốc tế của Việt Nam gần đây cũng cho thấy điều ấy. Thông qua Việt Nam, Mỹ sẽ có sự tham gia sâu hơn, kết nối hiệu quả hơn với ASEAN và các nước khác.
Chính vì vậy, thời gian qua, không chỉ Mỹ mà các nước trong khu vực châu Á, châu Âu và ASEAN rất muốn nâng tầm mối quan hệ ngoại giao đối với Việt Nam. Vừa qua, Australia, Nhật Bản, Singapore và Indonesia muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, cũng chính vì vị trí và vị thế quan trọng của Việt Nam mà họ nhận ra rằng không thể bỏ qua.
Và do đó, khi đặt mối quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh mới, dựa trên lợi ích 2 bên, việc nâng cấp mối quan hệ 2 nước lên tầm mới cũng hoàn toàn phù hợp và hài hòa với cả Việt Nam và Mỹ.
Bổ khuyết kinh tế cho nhau
Từ mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay và từ việc vị thế của Việt Nam được nâng cao, có thể thấy việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước sát sườn với Việt Nam (như các nước láng giềng và khu vực), cần phải hội tụ đủ một số điều kiện.
Thứ nhất, các bên thực sự cần nhau. Mình cần họ và họ cũng cần mình.
Thứ hai, phải có những khuôn khổ hợp tác cụ thể và nguyên tắc chỉ đạo các mối quan hệ. Theo đó, phải tôn trọng lẫn nhau và hợp tác 2 bên cùng có lợi, ngay cả khi 2 bên khác biệt về thể chế chính trị, về xã hội. Trong đó, tăng cường hiểu biết, có niềm tin với nhau sẽ vượt qua được sự khác biệt.
Thứ ba, có chung đà phát triển quan hệ và có dư địa để tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với nhau. Đơn cử, mối quan hệ Việt - Mỹ còn rất nhiều dư địa. Đó là, trong những năm gần đây khi 2 bên đã có khuôn khổ đối tác toàn diện, hàng năm tốc độ tăng trưởng thương mại giữa 2 nước luôn cao từ 17-19%, chứng tỏ 2 bên còn có nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, mở rộng thương mại với nhau.
Đằng sau dư địa đó còn là câu chuyện 2 nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau. Đó là, khi Việt Nam có những mặt hàng Mỹ cần như điện tử, giày da, dệt may, nông sản; trong khi Mỹ có những thứ Việt Nam cần như khoa học công nghệ, dịch vụ, các mặt hàng chất lượng cao, tài chính.
Như vậy, 2 bên cần nhau và hợp tác với nhau sẽ cùng có lợi. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ rất lớn, còn rất nhiều dư địa. Mỹ cũng có lợi, cũng có thể tranh thủ từ nhiều nguồn khác nhau bởi giai đoạn hiện nay là giai đoạn “bỏ trứng vào một rổ” sẽ chịu rất nhiều rủi ro, như các cú sốc về dịch bệnh, khủng hoảng chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn. Thế nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường là điều Mỹ đang rất cần.
Trong mối quan hệ với “người khổng lồ” Mỹ, bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng phải phát triển, phải “tự lớn” lên. Từ đó hàng hóa của Việt Nam mới có thể nâng cao sức cạnh tranh được với hàng hóa Mỹ. Và đây cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế. Ở góc độ Việt Nam, hiện đang hướng đến những nấc thang cao hơn, bắt kịp xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới, trong đó chú ý đến 2 trụ cột quan trọng là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Ở góc độ Mỹ, hiện cũng rất quan tâm đến những lĩnh vực trên bởi họ có nhiều thế mạnh (năng lượng tái tạo, công nghệ, các hệ sinh thái số). Trong thông báo phát đi của Nhà Trắng về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh đến vấn đề này
Đại ý: thúc đẩy hợp tác kinh tế theo hướng kinh tế Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào công nghệ và sáng tạo; đồng thời Mỹ sẽ hỗ trợ đào tạo về nguồn nhân lực để phục vụ cho nền kinh tế đang chuyển dịch ấy.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 11-9, theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tại Hà Nội, ông Biden đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo chủ chốt khác để thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam.