Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường thủy sản đang có những tín hiệu tốt dần lên khi tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 809,5 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng hơn 7% so với tháng trước, tương ứng tăng 66 triệu USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5 giảm do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn giảm trước tác động của lạm phát và lãi suất cao. Dù vậy, tín hiệu tốt hơn khi tốc độ giảm xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hà Lan… chậm lại so với các tháng đầu năm 2023.
Trong đó, Mỹ trở lại vị trí là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, lũy kế 5 tháng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 562,5 triệu USD.
Theo VASEP, các mặt hàng chủ lực đang hạ dần mức độ sụt giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt doanh số cao nhất từ đầu năm tới nay.
Trong nửa đầu tháng 6, xuất khẩu thủy sản đạt 344 triệu USD, đưa trị giá xuất khẩu mặt hàng này đến giữa tháng 6 đạt 3,72 tỷ USD.
Dự báo từ nay tới cuối năm, nhiều doanh nghiệp thủy sản cho rằng thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có sẽ phục hồi chậm.
VASEP cho biết, ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng hàng tồn kho. Năm 2022, những thị trường này đã nhập khẩu ồ ạt, chưa kịp tiêu thụ đã gặp phải cú sốc lạm phát, nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ.
Bên cạnh đó, hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam, nhất là mặt hàng tôm. Do vậy, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn.
Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị sụt giảm nhu cầu vì lạm phát, nhưng không giảm sâu như hai thị trường trên. Nhiều doanh nghiệp vẫn nhìn thấy ở 2 thị trường này điểm sáng, đó là vị trí thủ lĩnh của hàng giá trị gia tăng Việt Nam không bị cạnh tranh bởi các nước khác. Do đó, chỉ cần lạm phát dần ổn định, xuất khẩu sang 2 thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn, bù đắp cho những thị trường còn lại.
Còn với Trung Quốc, sau gần nửa năm, sự hồi phục của thị trường này vẫn ì ạch, thậm chí xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây bị sụt giảm gần 30%. Tuy nhiên, VASEP đánh giá nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.
VASEP nhận định, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy khi thị trường hồi phục sẽ không còn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.