Thông tin từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm, Chính phủ đã ký kết 10 hiệp định vay vốn nước ngoài với trị giá đạt khoảng 977 triệu USD.
Về rút vốn, riêng tháng 10 (tính đến ngày 23/10), Chính phủ đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài xấp xỉ 111,4 triệu USD, trong đó cấp phát là 43,5 triệu USD, cho vay lại đạt 67,9 triệu USD.
Như vậy, lũy kế 10 tháng (từ ngày 1/1-23/10/2020), Chính phủ thực hiện rút vốn từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài là 1.622 triệu USD (tương đương 37.640 tỷ đồng, đạt khoảng 35,0% kế hoạch), trong đó vốn cấp phát đạt 1.002 triệu USD và vốn cho vay lại là 620 triệu USD.
Nhằm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân, như tiến hành rà soát và làm việc cụ thể với các địa phương và các ban quản lý dự án có số dư tài khoản đặc biệt lớn để thúc đẩy việc giải ngân từ các tài khoản đặc biệt này.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ sẽ trao đổi với các đối tác phát triển để tiếp tục tạo thuận lợi cho phương thức thanh toán trực tiếp.
Ngoài ra, Bộ cũng cam kết xử lý nhanh các đơn rút vốn đủ điều kiện thanh toán của các dự án, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để ký hợp đồng cho vay lại cũng như góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai số nhiệm vụ, cụ thể đối với khối lượng đầu tư đã hoàn thành, được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi nhưng chưa làm thủ tục giải ngân, đối với các dự án có tài khoản đặc biệt/tài khoản tạm ứng, đề nghị các chủ dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh toán và gửi báo cáo hoàn chứng từ cho Bộ Tài chính, để giảm số dư nợ tạm ứng với bên cho vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành. Bộ Tài chính cho biết sẽ không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án ô hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Riêng nguồn vốn tạm ứng đã chuyển về tài khoản của dự án tại Kho bạc Nhà nước sẽ đề nghị các chủ dự án khẩn trương giải ngân, thanh toán cho các hoạt động của dự án và gửi thông tin lại về Bộ. Trước đó, 20 dự thảo hợp đồng cho vay lại, Bộ Tài chính đã gửi các địa phương xin ý kiến hoặc để ký kết và đề nghị các địa phương này phải sớm có ý kiến phản hồi.
Về cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương khó khăn trong điều kiện thu ngân sách Nhà nước giảm sâu do tác động của đại dịch COVID-19 và thiên tai, biến đổi khí hậu, Bộ Tài chính cũng cho hay đã phát hành 264.300 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tính đến ngày 26/10) để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,66 năm, lãi suất bình quân 2,92%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm). Như vậy, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch năm về huy động Trái phiếu Chính phủ trong 10 tháng.
Tại Hội nghị Thành viên thị trường Trái phiếu Chính phủ, đại diện Kho bạc Nhà nước cho biết kế hoạch năm 2021sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp đã thực hiện năm 2020 nhằm huy động vốn đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước với kỳ hạn danh mục bình quân duy trì ở mức 7 năm-8 năm theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2030. Về cơ bản, Kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện phát hành bổ sung vào các mã trái phiếu Chính phủ đang lưu hành để tăng quy mô nhằm giảm số lượng mã trái phiếu, duy trì quy mô 15.000 tỷ đồng-18.000 tỷ đồng/mã trái phiếu và hướng tới tới quy mô 1 tỷ USD.
Đối với hiện nghĩa vụ trả nợ, báo cáo của Bộ Tài chính thông tin trong tháng 10 (tính đến ngày 20/10) Chính phủ đã trả nợ khoảng 38.149 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước 35.632 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 2.517 tỷ đồng. Như vậy, tổng số trả nợ của Chính phủ trong 10 tháng của năm ước đạt 278.888 tỷ đồng (tương đương với 76,1% kế hoạch cả năm), cụ thể trả nợ trong nước 216.587 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 62.301 tỷ đồng.