Củng cố cán cân thương mại
Từ nửa cuối thế kỷ thứ 19, các công ty thương mại của Thụy Sĩ đã đến kinh doanh tại Việt Nam, các Lãnh sự quán của Thụy Sĩ cũng được thành lập tại Hải Phòng và Sài Gòn. Năm 1954, Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập, đã đứng ra tổ chức Hội nghị Geneve.
Năm 1971, Thụy Sĩ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và Đại sứ quán đầu tiên của Thụy Sĩ tại Hà Nội đã bắt đầu hoạt động trong một văn phòng nhỏ ở khách sạn Metropole vào năm 1973. Cùng với sự phát triển vững chắc của mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước, Thụy Sĩ đã thành lập Tổng Lãnh sự quán Thụy Sĩ tại TPHCM năm 2015.
Mối quan hệ thân thiết giữa 2 nước còn được thể hiện thông qua các chuyến viếng thăm cấp cao được tổ chức thường xuyên và các cuộc họp riêng trong khuôn khổ các hội nghị quốc tế. Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin đã đến thăm Việt Nam vào năm 2019 với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, Nghiên cứu và Giáo dục.
Tháng 8-2021, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã tới thăm Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Đặc biệt, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Vào cuối tháng 11-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đi thăm Thụy Sĩ với phái đoàn doanh nghiệp lớn.
Đến nay, chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 15.000 tỷ đồng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam. Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ Việt Nam nâng cao hiệu quả các chính sách và thể chế kinh tế, tạo ra một khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh có khả năng tiếp cận các chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Thụy Sĩ vừa thông qua chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2021-2024. Chương trình hỗ trợ Việt Nam sử dụng giải pháp công nghệ số nhằm chống ngập úng đô thị và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án xe buýt nhanh tại TPHCM.
SECO cũng giúp xây dựng quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức và thúc đẩy khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị có định hướng giao thông thông minh. Chương trình hợp tác mới phù hợp với định hướng chiến lược của Việt Nam và sẽ giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững, theo định hướng thị trường.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), mà Thụy Sĩ là một thành viên, khi ký kết sẽ góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi kinh tế giữa 2 nước và củng cố cán cân thương mại vốn đang và sẽ tiếp tục nghiêng về hướng thuận lợi cho Việt Nam. Việt Nam và các thành viên EFTA đang hướng tới một thế hệ FTA kế tiếp, không chỉ giảm bớt hàng rào thuế quan mà còn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư cũng như khả năng tiếp cận thị trường và các dự án công.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Hiện nay, có khoảng hơn 100 công ty Thụy Sĩ đang hoạt động tại Việt Nam, từ các tập đoàn đa quốc gia cho đến các công ty vừa và nhỏ, thuộc nhiều lĩnh vực như dược phẩm, xây dựng, chế biến thực phẩm, máy móc, công nghệ thông tin, logistics và hoạt động thương mại.
Các công ty Thụy Sĩ lựa chọn Việt Nam để đầu tư vì môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường nội địa lớn, lực lượng lao động trẻ, khả năng hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực cao, cũng như tiềm năng phát triển của đất nước.
Vừa qua, Việt Nam và Thụy Sĩ đã triển khai dự án Phát triển chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu (SwissTrade), nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc hoàn thiện các điều kiện khung cho các chính sách thương mại, cải thiện cơ chế đối thoại công-tư và củng cố hệ sinh thái cho xúc tiến thương mại. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2024.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật để hình thành các chiến lược cho Chính sách Phát triển Xuất nhập khẩu của Việt Nam và thiết lập các cơ chế đối thoại công tư nhằm tăng cường sự trao đổi giữa khu vực tư nhân và các cơ quan nhà nước về các chính sách thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại.
Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực của các Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.