Trong đó có 1.212 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,4 tỷ USD, 436 dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,5 tỷ USD. Đặc biệt, có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỷ USD.
Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư vào Việt Nam, đạt gần 4,4 tỷ USD. Kế đến là Đài Loan đạt 743 triệu USD, Trung Quốc 695 triệu USD, đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 500 triệu USD, Hàn Quốc 447 triệu USD, Nhật Bản 221 triệu USD…
Ghi nhận cho thấy, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký chiếm 53,8% tổng số vốn đăng ký cấp mới. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 37%, các ngành còn lại chiếm 9,2%.
Để đón làn sóng đầu tư ngoại này, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp và triển khai hiệu quả giải pháp, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực.
Riêng tại TPHCM, lãnh đạo TP đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp nhanh chóng rà soát quỹ đất trống hiện hữu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Được biết, TPHCM đang có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp đang hoạt động và dự kiến sẽ nâng lên thành 23 khu vào cuối năm 2020.