Khoan sức DN để nuôi dưỡng niềm tin
Định kỳ hàng tháng, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn, vướng mắc của cộng đồng DN. Bản báo cáo Ban IV vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1-2024, cho biết dù thời kỳ khó khăn của các DN vẫn đang tiếp diễn, nhưng niềm tin của DN đã dần quay trở lại.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát DN và số liệu thống kê cho thấy, “DN kiệt sức là sự thật”, nếu không được vun đắp kịp thời, sức lực của DN sẽ cạn kiệt. Năm 2024 cần tiếp tục khoan sức DN để nuôi dưỡng niềm tin và năng lực phục hồi của DN cũng như tổng thể nền kinh tế.
Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh năm 2024 nhiều biến số, theo Ban IV, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn, đặc biệt trong việc đồng hành cùng DN tháo gỡ 5 khó khăn chính về đơn hàng, dòng tiền, thủ tục hành chính và quy định của pháp luật, nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế, và tiếp cận vốn vay.
Tạo điều kiện cho các nhân sự có khả năng tạo đột phá tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây là “thời điểm vàng” của cải cách, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại của nền kinh tế, tạo ra các động lực phát triển mới.
Ban IV kiến nghị
Riêng về vấn đề tiếp cận vốn, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, NHNN cũng đang cụ thể hóa thành hành động. Nhưng để nền kinh tế và DN hấp thụ được hiệu quả của các chính sách này còn cần khoảng thời gian nhất định.
Nhận định của DN về triển vọng tiếp cận vốn cần tiếp tục được quan sát, đánh giá ở các kỳ tiếp theo mới có thể phản ánh rõ nét hơn các kết quả điều chỉnh cơ chế, chính sách.
Khảo sát của Ban IV cũng cho biết, về khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2024, nhóm DN ngành Xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ 2,16%). Còn DN trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất nhưng điểm số vẫn ở mức điểm 2,34 - mức tiêu cực. Và nếu tiếp cận vốn khó khăn, DN quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nếu muốn vay chấp nhận lãi suất cao
Liên quan đến vốn vay, lãi suất thực vay ở thời điểm khảo sát theo phản ánh của DN vẫn ở mức trên 10%, dù lãi suất điều hành và huy động đã chạm đáy. Với lãi suất này, phần lớn DN vẫn rất khó tiếp cận được với các kênh tín dụng. Các khoản vay tại các NH tư nhân lãi suất vẫn trên 11-13%, khiến DN quay vòng trong việc thanh toán với NH để tránh nợ xấu.
Trong khi đó, vốn vay lãi suất thấp rất khó tiếp cận do nhiều DN nhỏ khó thoát được nợ NH đang vay. Trong bối cảnh đơn hàng giảm mạnh, DN nỗ lực tìm mọi kênh để tìm nguồn khách hàng mới, nhưng lại phải trải qua giai đoạn sản xuất hàng mẫu và cần DN chủ động bỏ chi phí đầu tư. Đơn hàng có vẻ tăng lên nhưng DN đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất.
Ban IV đề nghị có nguồn vốn lãi suất thấp, đặc biệt điều kiện vay không quá khó khăn, nên nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai hoặc đánh giá thương hiệu DN, số liệu về người lao động, hoặc chứng minh hiệu quả mô hình kinh doanh, hoặc theo kết quả báo cáo tài chính.
Có như thế mới giúp DN nhỏ có vốn sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn kéo dài suốt 3 năm nay để tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách vĩ mô linh hoạt theo từng thời kỳ, đặc biệt về chính sách tài chính NH; tích cực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vay vốn với các DNNVV. Các chính sách về dòng tiền của NHNN không nên quá dồn dập gây phản ứng sốc của thị trường.
Với hệ thống NH, Ban IV đề nghị nên có chính sách giải ngân với lãi suất thực vay thấp hơn, điều kiện vay cải thiện hơn, thủ tục nhanh hơn và tập trung hỗ trợ các DN có khả năng phục hồi nhanh (thí dụ, doanh thu giảm ở mức dưới 30%, không nợ thuế, không nợ bảo hiểm, lịch sử DN hoàn thành mọi nghĩa vụ tốt).
Các khoản vay lưu động nên tăng thêm thời hạn đáo hạn để giảm áp lực về dòng tiền cho các DN. NH cần mở rộng cho vay vốn đối với các công ty khởi nghiệp chưa có tài sản thế chấp với mức lãi suất dưới 10%/năm để DN có thể mở rộng quy mô trong những năm đầu. Điều kiện xét duyệt cho vay chỉ cần DN thành lập được từ 2 năm và hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ. Gói cho vay hỗ trợ DN 2% cần có thủ tục thông thoáng, ít yêu cầu hơn.
“Chính quyền địa phương nên tìm hiểu, tiếp cận, trao đổi sát với DN để hiểu rõ khó khăn của DN, từ đó mới giúp đỡ DN hiệu quả khi đề xuất các chính sách liên quan tới giải quyết nguồn vốn cho DN vay” - Ban IV đề nghị.
Đáng chú ý, khảo sát cho biết trong các hoạt động điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương, không có hoạt động nào được DN đánh giá ở mức 3 (bình thường). Hơn 55% DN đánh giá các chính sách, hoạt động hỗ trợ ở mức kém hiệu quả và rất kém hiệu quả. Có đến 73,1% DN đánh giá hoạt động điều hành, hỗ trợ DN của chính quyền địa phương kém hiệu quả.
Ban IV kiến nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong việc cải cách thủ tục hành chính ở các tỉnh đi đôi với nâng cao mức độ chịu trách nhiệm của người đứng đầu lĩnh vực. Phân cấp, phân quyền rõ ràng, tránh chồng chéo.
Thí dụ, công tác phòng cháy chữa cháy phân cấp quản lý theo quy mô của cơ sở kinh doanh: hộ kinh doanh do trưởng công an phường chịu trách nhiệm, công an huyện không được kiểm tra thêm trừ khi có dấu hiệu sai phạm cần phải thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất.