Với mức giá bình quân của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chiến lược như nông sản, thủy sản... đều đang giảm mạnh, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 10% đang tạo ra áp lực lớn với doanh nghiệp trong việc tăng sản lượng bù kim ngạch cũng như thách thức lớn với cơ quan quản lý trong kiểm soát nhập siêu.
Giá xuất khẩu giảm 37%
Tại giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương ngày 6-5, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh cảnh báo: Chỉ số giá xuất nhập khẩu (theo tính toán độc lập của Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại-Bộ Công Thương) trong 4 tháng đầu năm nay ở 19 nhóm mặt hàng đã giảm tới 37%, trong đó nhóm nông sản, khoáng sản giảm mạnh nhất. Hiện mức giá xuất khẩu của các nhóm này đã rơi xuống bằng mức giá xuất khẩu của 3-4 năm trước đây.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, giá xuất khẩu khoáng sản bốn tháng qua đã giảm 52%, trong đó than đá giảm 21,5% và tốc độ giảm giá này còn cao hơn nhiều so với tăng trưởng sản lượng xuất khẩu.
Đặc biệt, cho dù có chất lượng gạo tốt và ngon hơn nhưng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm giá sâu so với gạo của nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện thấp hơn từ 30-40 USD/tấn so với gạo xuất khẩu của các nước này và thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã ảnh hưởng lớn tới đời sống của người nông dân, ông Chinh nhấn mạnh.
Chỉ ra những bất cập trong hoạt động xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ khẳng định: Gạo Việt Nam rất ngon nhưng cách thức sản xuất chế biến, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam cũng như những hạn chế về năng lực tài chính của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đang khiến gạo Việt Nam xuất khẩu có mức giá thấp nhất thế giới.
Bên cạnh đó, cách thức điều hành xuất khẩu gạo trong ba năm qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế khiến giá lúa gạo xuất khẩu mỗi năm giảm 1.000 đồng/kg khiến nông dân tiếp tục khó khăn. Hệ lụy là nông dân không có nguồn vốn để tái đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng lúa gạo.
Tương tự như lúa gạo, xuất khẩu cá tra Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang gặp nhiều thách thức khi giá xuất khẩu bấp bênh khiến người nuôi cá tra đang bị lỗ nặng và có xu hướng bỏ ao không nuôi cá.
Về phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, với năng lực tài chính mỏng lại phải chịu áp lực lãi suất vay vốn cao, thời gian được vay ngắn nên có xu hướng phá giá để xuất khẩu bằng mọi giá. Bắt được điểm yếu này, doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh đã “ép” doanh nghiệp thủy sản trong nước để mua cá tra với giá bèo bọt khiến cả nông dân và doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại nặng, ông Toại nhấn mạnh.
Khó đạt chỉ tiêu xuất nhập khẩu
Với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm là 10%, kim ngạch xuất khẩu bình quân phải đạt 10,5 tỷ USD/tháng, trong khi 4 tháng đầu năm, con số này mới đạt 9,86 tỷ USD/tháng. Vì vậy, nếu không có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì mục tiêu tăng trưởng 10% sẽ khó thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh giá xuất khẩu liên tục giảm như hiện nay, ông Chinh cảnh báo.
Trong khi đó, với thực tế là sản xuất trong nước đang phục hồi mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới thì áp lực để kiểm soát kim ngạch nhập khẩu cả năm ở mức dưới 10 tỷ USD cũng không hề đơn giản bởi phần hàng hóa có thể kiểm soát, kiềm chế nhập khẩu chính là hàng tiêu dùng lại chỉ chiếm khoảng 5% trong khi hàng hóa nhập khẩu chủ yếu lại là nguyên vật liệu, ông Chinh khẳng định.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện Sở Công Thương Cần Thơ đề xuất Bộ Công Thương cử các đoàn chuyên gia xuống nghiên cứu tìm hiểu thực tế tại các địa phương, doanh nghiệp gặp khó khăn để sớm có giải pháp tháo gỡ thích đáng. Việc cử các đoàn công tác xuống cơ sở mang tính hình thức như thời gian vừa qua sẽ không mang lại hiệu quả thực sự, ông Toại nhấn mạnh.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất: Bộ Tài chính cần sớm sửa đổi Thông tư 88 hướng dẫn thủ tục giải ngân kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại để tháo gỡ những bất cập hiện nay nhằm giúp nguồn kinh phí vốn đã hết sức eo hẹp có thể phát huy hiệu quả bởi chính những điều kiện giải ngân và thủ tục rườm rà này đang khiến nhiều doanh nghiệp nản chí không muốn tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại.
Cùng quan điểm này, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại-Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Thông tư 88 đang “bó chân bó tay” Chương trình xúc tiến thương mại nhưng cho đến nay Thông tư vẫn chưa được sửa đổi cho dù Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính rất nhiều.
Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện cơ chế giải ngân khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Bộ Công Thương được lấy kinh phí cho chương trình xúc tiến thương mại năm 2013 từ nguồn chi thường xuyên của Bộ Công Thương. Vì vậy, 99,5% kinh phí xúc tiến thương mại đợt 1 và 2 đã được giải ngân và Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để bổ sung tiếp kinh phí đợt 3 giúp doanh nghiệp triển khai hoạt động nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương làm đầu mối xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm đầu mối xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để giúp sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam có được vị thế bền vững trên thị trường xuất khẩu, đồng thời giúp nâng cao giá trị xuất khẩu cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực này của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2012. Kim ngạch nhập khẩu đạt 40,19 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 18,42 tỷ USD cho thấy sản xuất công nghiệp trong nước đã có dấu hiệu phục hồi khá rõ nét. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập siêu rất lớn từ các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN.