Mặt khác, TPHCM cũng đã ra “tối hậu thư” cho 24 quận huyện là phải có các giải pháp xử lý nghiêm, chế tài mạnh đối với những hành vi lấn chiếm kênh rạch, sử dụng đất vào mục đích riêng.
Vi phạm tràn lan
TPHCM có mạng lưới sông rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng 900km. Tình trạng san lấp kênh rạch để xây nhà trái phép diễn ra trong một thời gian dài và vẫn đang tái diễn. Nhà nhà đua nhau đóng cọc, đổ đất để cơi nới diện tích đất ven kênh làm nơi ở, kinh doanh, bất chấp nguy cơ sạt lở cao, làm thu hẹp dòng chảy.
Ngoài nguyên nhân bị lấn chiếm, kênh rạch thành phố đang ngày ngày tiếp nhận khoảng 300.000 tấn rác thải xuống sông, cộng với độ bồi lắng cao, trong khi khả năng vớt và nạo vét bùn của cơ quan chức năng rất thấp (bình quân mỗi năm chỉ nạo vét được khoảng 100.000m3), đã khiến cho nhiều đoạn kênh rạch có nguy cơ “biến mất”.
Một đoạn kênh trên địa bàn quận Bình Thạnh đang bị “bức tử”
Ghi nhận thực tế cho thấy, tình trạng lấn chiếm, bức tử kênh rạch hiện nay xảy ra ở hầu hết các tuyến kênh, ở khắp các quận huyện. Tại khu vực kênh Xáng (quận 8), hàng trăm căn hộ được xây dựng, lấn chiếm sông. Khu vực bán đảo Thanh Đa thuộc các phường 26, 27, 28 (quận Bình Thạnh) cũng là địa bàn có tình trạng lấn chiếm sông, kênh rạch phổ biến.
Đây cũng là địa bàn “nóng” của TPHCM, đã từng xảy ra nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại về tài sản và người. Suốt chiều dài rạch Bùi Hữu Nghĩa chạy từ đường Diên Hồng đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh), rác lâu ngày đọng lại thành nhiều lớp dày, phân hủy bốc mùi xú uế. Tuyến rạch dài chưa đầy 1km nhưng có hàng chục căn nhà đổ cọc, xây chắn hẳn lòng rạch.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, nhìn nhận dù thành phố đã rất quyết liệt trong việc xử lý ô nhiễm, lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn, nhưng tình trạng lấn chiếm, bức tử kênh rạch vẫn còn phức tạp. Theo bà Mỹ, công tác cải tạo kênh rạch ở TPHCM nằm trong các dự án hạ tầng đô thị nhưng việc duy trì sự xanh, sạch cho môi trường nước kênh rạch lại phụ thuộc ý thức người dân.
Ai cũng biết, mỗi dòng kênh đi qua các quận trung tâm luôn có hàng triệu người sinh sống ven kênh. Nếu ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân không cao thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền, với công nghệ hiện đại cỡ nào, kết quả cũng không được như ý muốn. Thời gian tới, Sở TN-MT tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ kênh rạch. Đồng thời, cũng sẽ có mức phạt mạnh tay đối với những hành vi cố tình vi phạm theo quy định.
Có thể thấy, việc sông, kênh rạch ngày càng bị thu hẹp dòng chảy, bị “bức tử” đang là thực trạng nhức nhối. Sau nhiều năm xử lý không triệt để, mới đây, lãnh đạo TPHCM đã thay phiên đi khảo sát thực tế tại nhiều địa bàn trọng điểm. Sau khi kiểm tra, UBND TP đánh giá, công tác bảo vệ hành lang sông, hệ thống kênh rạch thoát nước thời gian qua còn yếu kém, có nơi còn hợp thức hóa diện tích đất dùng cho việc thoát nước để xây dựng dự án nhà ở.
UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện xây dựng kế hoạch, công trình để thực hiện. Theo đó, các quận huyện cần tuyên truyền, vận động các hộ dân lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng thời gian quy định; ngăn chặn nguồn xả thải ô nhiễm xuống kênh rạch; không để tái lấn chiếm và gây ô nhiễm hành lang sông, kênh rạch; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng tại địa phương.
Các hộ dân nhà mặt tiền đường, hộ dân cho thuê mặt bằng kinh doanh ở mặt tiền đường phải có thiết bị lưu chứa rác phát sinh, không xả rác ra đường, miệng cống, hố ga thoát nước; giữ gìn vệ sinh lề đường, vỉa hè trước nhà. Các hộ dân cho thuê nhà trọ, khu lưu trú cần có cam kết giữ gìn vệ sinh, lưu chứa và giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định. Trong thời gian tới, quận huyện nào để hành lang sông và kênh rạch bị lấn chiếm hay tái lấn chiếm thì người đứng đầu sẽ bị kỷ luật.