Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản. Khảo sát nhanh hơn 200 doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ cho thấy, 80% khách hàng đã dừng hoặc huỷ đơn hàng, hầu hết các DN phải thu hẹp sản xuất, trong đó chỉ có 7% DN hoạt động bình thường. Đáng chú ý, dịch Covid-19 đã khiến 86% DN bị ảnh hưởng và 7% DN phải tạm ngừng hoạt động.
Tính đến cuối tháng 4-2020, hoạt động của các DN chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đã giảm khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các DN phải cơ cấu lại sản xuất, giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên. Theo đó, khoảng 50% người lao động tại các DN lớn phải nghỉ việc (tương đương khoảng 200.000 người).
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành gỗ đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong giai đoạn tiếp sau của năm 2020. Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn. Do đó, cần tập trung khắc phục cho được những khó khăn trước mắt, trung hạn và lâu dài. “Hành chính, thể chế, chỉ đạo, chung tay như thế nào để ngành gỗ phục hồi và tăng trưởng trở lại trong quý III, quý IV là vấn đề cần được làm rõ, thống nhất phương thức tháo gỡ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, các bộ, ngành cần có ý kiến đóng góp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn tạm thời, tiếp tục thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng. Trong đó, mục tiêu trung hạn là đưa Việt Nam không chỉ đứng thứ 4 về xuất khẩu, mà hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đồ gỗ và xuất khẩu lâm sản hàng đầu của thế giới.
Hiện nay, cả nước có khoảng 4.600 DN gỗ đã tham gia chuỗi giá trị ngành hàng gỗ và lâm sản, các DN này cũng đang dần tiếp cận với các công nghệ hiện đại. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản, đồng thời cũng là một trong hai quốc gia đã ký nghị định thư về thương mại gỗ với Liên minh châu Âu (EU).