11 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 40%

(ĐTTCO)-Theo Bộ Tài chính, bên cạnh 11 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 40%, hiện vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 của cả nước tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số đó, vốn trong nước đạt trên 43%; vốn nước ngoài đạt 25,95%.

Bộ Tài chính cũng cho biết có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40% trở lên như Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), tỉnh Tiền Giang (62,12%), tỉnh Long An (66,18%) và tỉnh Đồng Tháp (66,94%).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Trong số đó, có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và các đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu; định kỳ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tổng hợp kết quả làm việc của các đoàn công tác trong đó đã nêu các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp các vướng mắc theo báo cáo 8 tháng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tồn tại một số nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm như: một số dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn. Vì vậy, chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án.

Cùng với đó là các vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khó khăn trong nguồn cung, khan hiếm nguyên vật liệu nên các chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA cũng đang gặp khó khăn trong việc gia hạn hiệp định hay thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu công trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân đảm bảo đúng quy định và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng cần khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc Danh mục dự án được giao theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023. Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Các tin khác