130.000 tỷ USD: Canh bạc lớn với biến đổi khí hậu?

(ĐTTCO) - Hội nghị thượng đỉnh COP26 vừa kết thúc ở Anh. Ấn tượng mạnh nhất với công chúng là con số 130.000 tỷ USD dự kiến đầu tư để đạt được mục tiêu cân bằng khí thải (net zero) vào năm 2050, cũng như một số mục tiêu ngắn hạn khác. Thông điệp từ các định chế tài chính lớn là băn khoăn việc chọn lựa dự án và giải ngân. Nhưng với số tiền khổng lồ như vậy, vậy các nền kinh tế sẽ phải định hình lại?

130.000 tỷ USD: Canh bạc lớn với biến đổi khí hậu?
Tiền ở đâu?
Kể từ COP21 Paris, biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành chủ đề quan trọng của nhiều nền kinh tế. Rất nhiều nguồn lực được dự kiến cho các mục tiêu tốt đẹp, nhưng do phần lớn cam kết là ở chính phủ nên nhiều dự án vẫn còn ở trên giấy.
Nhưng lần này tại COP26, sự tham gia của các định chế tài chính đại diện cho khu vực tư, như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản, quỹ đầu tư… cho thấy các nguồn lực này đã sẵn sàng tham gia.
Dưới sự dẫn dắt của Mark Carney, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, liên minh Tài chính Glasgow vì cân bằng khí thải (GFANZ), đã tập hợp được hơn 450 doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, với lượng tài sản lên đến 130.000 tỷ USD.
Uy tín và mạng lưới của GFANZ còn được củng cố bởi sự tham gia của Michael Bloomberg, một tên tuổi lớn trong ngành tài chính. Không những thế, nhiều tỷ phú hàng đầu thế giới cũng tham dự COP26, và với một phần nguồn tài sản cá nhân của những người này, nguồn tài chính cho BĐKH sẽ rất lớn.
Với xu hướng nền kinh tế xanh, đầu tư gắn liền trách nhiệm xã hội, các quỹ quản lý tài sản hay các quỹ đầu tư ngày nay có thể thuyết phục khách hàng của mình dễ dàng hơn, khi phân bổ danh mục vào các dự án thân thiện với môi trường, giảm khí thải carbon.
Các định chế tài chính tư cũng sẽ có người đồng hành là các chính phủ, khi tại COP26, bộ trưởng tài chính các nước đã bày tỏ dùng ngân sách hàng tỷ USD để đối ứng.
Các định chế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự kiến dành lượng vốn đáng kể cho các nước đang phát triển, nhất là các dự án điện mặt trời và điện gió. Thậm chí, những công cụ tài chính mới sẽ được đưa ra để kết nối nhu cầu và nguồn cung cấp vốn, như mới đây là Công cụ thị trường vốn của Quỹ đầu tư BĐKH (CCMM).
Thách thức chuẩn mực báo cáo
Các dự án thân thiện với môi trường thường bị chỉ trích là “làm màu”. Bởi nó thiếu hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chuẩn hoặc hệ thống đánh giá có nhưng không dựa vào các tiêu chí khoa học, nên khó kiểm chứng được.
Chính vì vậy, thách thức lớn hiện nay đối với việc đầu tư vào các dự án này là các báo cáo theo chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, các định chế tài chính và nhiều tổ chức quốc tế lớn đang hướng đến báo cáo BĐKH theo hướng của IFRS. Nghĩa là, dù chủ yếu theo nguyên tắc nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng, khoa học. 
Sẽ có một cuộc chạy đua trong việc xác lập các tiêu chí và công nhận các báo cáo BĐKH đạt chuẩn, để từ đó dự án có thể khiển khai hay nhận thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro sẽ không nhỏ trong trường hợp chỉ dựa vào các báo cáo đánh giá hay các con số được công bố.
Bởi ngay cả các báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS, việc gian lận vẫn xảy ra và thực tế việc chống lại gian lận báo cáo tài chính vẫn đang diễn ra hàng ngày.
Mức độ cam kết của các quốc gia trong việc ứng phó với BĐKH cũng là ẩn số quan trọng trong việc đánh giá rủi ro đầu tư vào các dự án hướng đến cân bằng khí thải carbon. Chỉ cần một quốc gia lớn có ý định không tuân thủ cam kết cục diện sẽ thay đổi rất nhiều.
Riêng trong việc áp dụng bộ tiêu chuẩn báo cáo chung sẽ là thách thức lớn, vì các nước lớn đều muốn duy trì hệ thống đánh giá, báo cáo của riêng mình. Chưa kể dưới áp lực các dự án cần đánh giá nhanh, đánh giá tốt, vai trò và đạo đức nghề nghiệp của những tổ chức đánh giá xếp hạng, tổ chức kiểm định (auditors) cũng là mối băn khoăn lớn.
Những bài học trong quá khứ như Enron và mới đây là Wirecard, luôn là cảnh báo trong việc xếp hạng hay kiểm định các báo cáo.
Việt Nam tham gia như thế nào?
Sự tham gia của các định chế tài chính đại diện cho khu vực tư tại COP26, như các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ quản lý tài sản, quỹ đầu tư… cho thấy nguồn tài chính cho BĐKH sẽ rất lớn.
Là quốc gia được thế giới để ý đến nhiều vì tác động của BĐKH, cũng như vị trí chiến lược trong khu vực, các dự án hướng đến cân bằng khí thải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Một điểm thuận lợi của Việt Nam là điều kiện để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, nằm trong ưu tiên của các chương trình đầu tư lớn hướng đến các quốc gia đang phát triển.
Ngay tự bản thân nhu cầu nội tại cũng đã phát triển thị trường điện mặt trời và điện gió của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên sau COP26, các dự án đầu tư cho 2 nguồn năng lượng này sẽ tăng đáng kể, đặc biệt là nguồn vốn quốc tế.
Do đó, Việt Nam có thể tận dụng để phát triển, nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, giảm tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch, còn có thể hướng đến thị trường xuất khẩu điện, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo với hệ sinh thái khép kín. Quan trọng là các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng sạch.
Để được như vậy các dự án cần có chuẩn bị chu đáo từ trước, nhất là các báo cáo phải hướng đến chuẩn mực quốc tế, các đánh giá dựa vào các nghiên cứu để có thể thuyết phục được nhà đầu tư. Và như gợi ý từ COP26, các báo cáo này cần có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành uy tín, các cơ quan quản lý, nhất là các tổ chức dân sự.

Các tin khác