2022: Mở cửa song hành cải cách

(ĐTTCO) - Cứ sau khủng hoảng luôn có cải cách thể chế, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhịp tăng trưởng, khiến việc đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 trở thành thách thức. Nhưng, điều này cũng tạo áp lực đủ mức để thúc đẩy đổi mới. 
Đại dịch covid cho thấy chúng ta không còn thời gian cho sự chậm chân về việc phát triển công nghiệp 4.0, kinh tế số.
Đại dịch covid cho thấy chúng ta không còn thời gian cho sự chậm chân về việc phát triển công nghiệp 4.0, kinh tế số.
Không còn thời gian cho sự chậm chân
Trong 2 năm liền đại dịch Covid-19 đã gây nên cuộc khủng hoảng toàn cầu. Tuy mức độ tác động của đại dịch lên mỗi quốc gia khác nhau, nhưng ảnh hưởng của nó rất sâu rộng.
Với những biến chủng virus mới liên tục xuất hiện, cả thế giới còn tiếp tục đối diện với rủi ro dịch bệnh, nhưng cũng đã thấy rõ xu hướng phục hồi tăng tốc và sự phát triển mạnh mẽ tốc độ cao của công nghiệp 4.0, kinh tế số.
Trong bối cảnh này, không còn thời gian cho bất cứ sự chậm chân nào. Đây cũng là thời điểm hội tụ nhiều nhân tố buộc chúng ta phải thay đổi. Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch, giữ được mức tăng trưởng tuy vẫn còn khiêm tốn nhưng đã là thành công. Vì thế, nếu không tăng tốc chúng ta sẽ lại lỡ nhịp, chậm chân và nguy cơ lại tụt hậu. 
Do vậy áp lực phải thay đổi, tạo nên làn sóng mới về cải cách và phát triển, thúc đẩy đổi mới. Mục tiêu của chúng ta đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Khát vọng của chúng ta là đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì thế, nếu không có giải pháp phi thường, khác biệt sẽ không thể đạt mục tiêu Đại hội 13 của Đảng đã đề ra và sẽ càng cách xa khát vọng. 
Có thể nói 2022 là năm mở cửa song hành cải cách. Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục mở cửa an toàn, thích ứng và kinh tế phát triển bền vững; không còn phải phong tỏa trên diện rộng, không đứt gãy lớn về chuỗi cung ứng...
Điểm sáng và dư địa rộng cho năm 2022 là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát vẫn trong mục tiêu kế hoạch; tỷ giá tiếp tục ổn định; các cân đối lớn của nền kinh thế, nhất là các cân đối đối ngoại, tiếp tục được duy trì. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 theo mục tiêu kế hoạch và một số dự báo gần đây khoảng 6-6,6%.
Nhưng 2022 cũng là năm yêu cầu và áp lực chưa từng có đối với việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.  
Để đạt mục tiêu và khát vọng, rất cần có các giải pháp mạnh mẽ, khác biệt và quyết liệt hơn bổ sung cho các giải pháp đã có trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đề án tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022.
Các giải pháp này đang nóng lòng mong đợi để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sớm được thực hiện, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được thúc đẩy mạnh mẽ; xây dựng pháp luật cho chuyển đổi số và kinh tế số. Đây chính là điều doanh nghiệp và người dân cần nhất, mong đợi nhất. 
2022: Mở cửa song hành cải cách ảnh 1
Cần đột phá cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh
Trong mấy năm gần đây dường như cải cách đang chậm lại. Để cải cách thể chế, cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh giai đoạn 2021-2025, cần tiếp tục cải cách quy định và cách thức quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; giảm và thu hẹp danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện; bãi bỏ, đơn giản hóa quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề duy trì trong danh mục.
Chúng ta cần chuyển sang thực thi, quản lý nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hậu kiểm; áp dụng nền tảng số, công nghệ số. Về điều hành, cần linh hoạt theo hướng cân bằng cho cả nhiệm kỳ hơn là hàng năm.
Theo hướng đó, bội chi ngân sách cả nhiệm kỳ có thể vẫn giữ như mục tiêu 4% GDP, nhưng có thể điều chỉnh năm 2022 khoảng 6-7%, năm 2023 là 5%, sau đó giảm dần về 3% năm.
Tương tự, lạm phát cả nhiệm kỳ 4%, năm 2022 có thể chấp nhận mức cao hơn các năm còn lại… Điều hành theo hướng đó sẽ tạo dư địa để có được một chương trình phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ít nhất 2 năm 2022-2023.
Trong năm 2021, xuất khẩu là điểm sáng đóng góp quan trọng cho tăng trưởng. Nhưng, xuất nhập khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn vì công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Vì thế, cần tiếp tục cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; áp dụng đầy đủ chế độ quản lý rủi ro, chuyển sang hậu kiểm. Đồng thời kết nối, chia sẽ dữ liệu và thực hiện các thủ tục hành chính quản lý kiểm tra chuyên ngành trên cổng thông tin một cửa quốc gia. 
Việc cần làm và phải làm là  cải cách một bước các quy định thủ tục hành chính  liên quan đến đầu tư xây dựng, gồm pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đất đai, môi trường...
Trong đó, rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không có mục tiêu quản lý. Thí dụ, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dư án đầu tư tư nhân; giấy phép đầu tư ra nước ngoài, chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với đầu tư công… Bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, trùng lặp, đơn giản, cụ thể hóa nội dung hồ sơ, bãi bỏ quy trình chồng chéo…
Đây là lĩnh vực khó cải cách vì đụng vào lãnh địa dày đặc “xin - cho” của các bộ có liên quan. Do đó, cách làm không thể dựa vào bộ máy hành chính để cải cách hành chính, mà cần có nghiên cứu, đánh giá độc lập và kiến nghị đề xuất ngoài các bộ có lợi ích liên quan.  
 Cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường và sự thay đổi trong toàn cầu hóa tạo sức ép thay đổi để nâng cao sức mạnh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Và chuyển đổi số - xu thế tất yếu buộc từng cá nhân, tổ chức và cả quốc gia phải chuyển đổi…

Các tin khác