Những thách thức
Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng VEPR cho rằng nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản với tăng trưởng kinh tế. Theo đó, VEPR dự báo tăng trưởng GDP năm nay ước đạt 6,65%, kèm theo đó là 3 thách thức:
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, bằng 1/14 Singapore, 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan. Nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.
Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp đối mặt với nhiều áp lực rủi ro về thiên tai… Áp lực tăng trưởng cho năm 2018 cũng là thách thức lớn.
Năng suất lao động tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề quan trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công vẫn hạn chế, chi thường xuyên đang ở mức cao tạo gánh nặng ngân sách. Hơn nữa, bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp vốn vay ODA, các nhà tài trợ nước ngoài sẽ lần lượt rút dần vốn ưu đãi, chỉ cho vay các mức lãi suất kém ưu đãi hơn, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.
VEPR khuyến cáo Chính phủ cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn để thắt chặt chi thường xuyên như tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy, hạn chế chi cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi DN nhà nước như đã thực hiện trong thời gian qua.
Thứ ba, việc nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn. Đặc biệt trong năm 2018, nền kinh tế có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại của một số nước lớn, cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ.
Tính đến hết tháng 12-2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ; trong đó giá trị xuất khẩu chủ yếu đến từ khu vực DN FDI, xuất khẩu khu vực này ước đạt 155,24 tỷ USD, chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thận trọng tốc độ tăng cung tiền
Thận trọng tốc độ tăng cung tiền
VEPR nhận định 2017 là năm thành công với kinh tế Việt Nam, năm đầu tiên sau nhiều năm nền kinh tế hoàn thành đủ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Trong đó GDP tăng 6,81%, vượt chỉ tiêu đề ra, xuất siêu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, lạm phát được kiểm soát, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 3,4% GDP đã giúp NHNN bổ sung lượng dự trữ ngoại hối lớn, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, chỉ số VN Index tiệm đạt kỷ lục 1.000 điểm những ngày cuối năm, chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh tăng 14 bậc…
VEPR cũng cho biết khi xây dựng chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) dựa trên các số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, và chỉ số sản xuất (IPI), đã cho thấy mức tăng trưởng cao của nền kinh tế trong quý IV-2017. Tuy nhiên, mức tăng trưởng VEPI thấp hơn so với công bố của Tổng cục Thống kê về mức tăng trưởng GDP.
Theo đó, chỉ số VEPI quý IV đạt khoảng 7,28%, trong khi GDP cùng quý công bố đạt 7,65%. Việc chỉ số VEPI thấp hơn có thể phản ánh rằng tăng trưởng GDP không thực sự vượt bậc trên thực tế. Điều này cho thấy cần lưu ý đến sự thống nhất giữa các nguồn số liệu. Thực tế các chỉ tiêu khác trong thành phần của VEPI vẫn tăng trưởng ở mức trung bình, chưa cho thấy sự đột biến đáng kể trong thời gian dài.
Thị trường tiền tệ trong năm 2017 cũng có nhiều điểm đáng lưu ý, tín dụng cả năm tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp, thương mại, chiếm 78,4% tổng tín dụng. Điều này phần nào phản ánh tốc độ tăng trưởng ấn tượng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như ngành dịch vụ.
Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 12-2017, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cảnh báo tín dụng của Việt Nam cuối năm 2017 đã ở mức khoảng 135% GDP, cao hơn các quốc gia có trình độ phát triển tương đương. Tỷ lệ này đang tiến gần tới mức của thời kỳ bất ổn trước đây. Do đó, có thể dẫn tới rủi ro đối với cân đối tài chính của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy NHNN cần bắt đầu thận trọng với tốc độ tăng cung tiền vì có khả năng bùng phát lạm phát trong thời gian tới.