Theo giải pháp Bộ đưa ra, trước 15-9-2021 phải hoàn thành việc phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới. Đồng thời giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ yêu cầu các cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt Quyết định đầu tư, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Giải pháp thứ hai là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu thực tế, đảm bảo thời gian, chất lượng, khả thi.
Thứ ba, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư các dự án. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 của các bộ, cơ quan và địa phương (tính đến cuối tháng 9) có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn, để điều chuyển cho các đơn vị có nhu cầu bổ sung vốn thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án, kiểm soát chi vốn và đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, tăng cường hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án tại các bộ, ngành và địa phương.
Dự kiến tổng mức vốn NSNN năm 2022 là 516.700 tỷ đồng, tăng 8,3% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng, bằng với kế hoạch năm 2021. Vốn ngân sách địa phương 294.700 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kế hoạch năm 2021.