Bài toán trái phiếu BĐS, 'lời giải' trong tay doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Sau nhiều tháng chờ đợi, NĐ08 đã được ban hành nhằm tháo gỡ cho các doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu (TP). Thị trường chứng khoán chào đón bằng một phiên bùng nổ với giá trị các cổ phiếu của DN phát hành, đặc biệt là DN BĐS.
Bài toán trái phiếu BĐS, 'lời giải' trong tay doanh nghiệp

Nhưng sau sự háo hức và hưng phấn ban đầu của thị trường, các DN phát hành giờ đây sẽ đối diện với bài toán khó khăn hơn, đó là thực hiện và triển khai các quy định mới của NĐ08.

Điều quan trọng là việc thực hiện phải nhanh và hiệu quả mới có thể tránh được khả năng tăng đột biến các khoản nợ quá hạn của TPDN lên tới khoảng 76.500 tỷ đồng vào quý II, 83.000 tỷ đồng và 61.000 tỷ đồng trong quý III và IV năm nay.

Cần lưu ý, các DN BĐS chiếm tỷ trọng khoảng 43% tổng giá trị TP phát hành riêng lẻ trong năm 2023

Đối với các DN BĐS, hoán đổi từ TP sang BĐS hay cổ phiếu được xem là giải pháp khả thi. Nếu nhà phát hành và trái chủ đạt được thỏa thuận về việc hoán đổi TP BĐS, sẽ tạo hiệu ứng tích cực nhất định cho cả thị trường TPDN lẫn thị trường BĐS.

Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cần triển khai nhanh để tránh sự bùng nổ của các khoản nợ TP quá hạn trong vài tháng tới.

Lòng tin đã bị sứt mẻ, cộng thêm tâm lý lo sợ rủi ro những mất mát tài chính quá lớn sau các biến động của thị trường, sẽ là những trở ngại đầu tiên khi thuyết phục trái chủ tham gia các thỏa thuận hoán đổi.

Bên cạnh đó, bản thân các dự án BĐS cũng còn vướng mắc về pháp lý, giá trị của các BĐS cũng đứng trước nguy cơ sụt giảm.

Thị trường BĐS trầm lắng, tính thanh khoản của BĐS yếu ớt, khiến tính hấp dẫn của các tài sản là BĐS tạm thời không còn mạnh mẽ như trước.

Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể định giá chính xác về giá trị cũng như tính pháp lý của BĐS. Với dòng tiền nhỏ giọt của các DN BĐS hiện nay, dễ thông cảm cho sự nghi ngại của các trái chủ về khả năng hoàn thiện và bàn giao sản phẩm BĐS được hoán đổi.

Trong bối cảnh đó, thuyết phục các nhà đầu tư tham gia hoán đổi với mức giá BĐS vốn đã bị thổi phồng, thậm chí phải bổ sung thêm tiền để hoán đổi sang tài sản là BĐS, đang thực sự thách thức đối với DN BĐS hiện nay.

Những điều này cho thấy, bản thân các quy định cởi mở trong NĐ08 sẽ không tự động tháo gỡ được các khó khăn của thị trường TP hiện nay. Nó phụ thuộc nhiều vào hành động của DN phát hành, vào việc DN sẽ thực sự tôn trọng quyền lợi của các trái chủ hay không, thực sự sẽ tìm biện pháp để mang lại lợi ích và tháo gỡ khó khăn, và sau cùng hoàn trả lại lợi ích kinh tế một cách an toàn, công bằng, minh bạch cho các trái chủ hay không.

NĐ08 là cơ hội để DN phát hành không tuân thủ, hoặc đối diện với nguy cơ không tuân thủ được lời hứa khôi phục lại uy tín, niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường.

Nó không phải là cơ hội để các DN này một lần nữa tìm kiếm các thỏa thuận, giao dịch hoán đổi, hay tìm kiếm thêm lợi nhuận bằng các thỏa thuận chỉ có lợi cho mình, tiếp tục đẩy khó cho nhà đầu tư.

Đó là đưa sản phẩm BĐS về giá trị thực, kết hợp với các thỏa thuận công bằng, với mức giá hợp lý, có lợi cho cả đôi bên, được bảo vệ bằng các điều khoản công bằng, phù hợp với các quy định pháp luật, chắc chắn sẽ được nhà đầu tư ủng hộ, thậm chí sẽ kích thích dòng tiền mới đến từ nhà đầu tư có nhu cầu nắm giữ tài sản là BĐS, qua đó hỗ trợ cho cả nhà đầu tư lẫn DN trước tình hình khó khăn hiện tại.

Vẫn biết NĐ08 chỉ là các biện pháp tạm thời, nhưng đây cũng là cơ hội để DN BĐS tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường; thay đổi chiến lược quản trị tài chính, quản trị rủi ro, giảm bớt tính phiêu lưu trong các kế hoạch kinh doanh của mình. Những biện pháp đó đồng thời sẽ có tác động tích cực tới niềm tin của nhà đầu tư, thị trường với DN.

Cờ đã trao, phất được hay không phụ thuộc phần lớn vào các DN phát hành.

Các tin khác