Nếu như trước đây chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới từ mức quanh 2 triệu đồng/lượng, nay có lúc trên 18 triệu đồng/lượng; chênh lệch giá mua vào và bán ra 500.000 đồng/lượng nay có thời điểm hơn 2 triệu đồng/lượng. Những con số này đã phần nào nhìn thấy tính bất cập của NĐ 24.
Vai trò NHNN đang ở đâu?
Vai trò NHNN đang ở đâu?
NĐ 24 quy định việc sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng do Nhà nước độc quyền. Quy định này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là người can thiệp cuối cùng vào thị trường để cân bằng cung cầu. Liệu rằng 10 năm qua, NHNN có thực hiện được vai trò này khi nhìn vào diễn biến của thị trường vàng!
Nhìn lại diễn biến thị trường vàng 10 năm với một đặc điểm tồn tại có tính cố hữu, đó là chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới không thu hẹp mà có xu hướng mở rộng, chênh lệch này không thu hẹp khi giá vàng thế giới giảm, thậm chí còn tăng (hình 1). Điều này được lý giải thông qua cung - cầu vàng trong nước.
Hình 1: Diễn biến thị trường vàng trong nước và thế giới
Đặc biệt là 2 năm gần đây, chênh lệch giá vàng càng được mở rộng lớn hơn mức “bình thường”, thậm chí cao hơn nhiều lần mức tồn tại kể từ khi NĐ 24 ra đời. 2 năm nay cũng là giai đoạn giá vàng thế giới tiệm cận và vượt qua mức giá kể từ khi NĐ 24 ra đời.
Ở trong nước, 2 năm nay NHNN đang mở rộng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, điều này thúc đẩy dòng tiền vào thị trường vàng là điều dễ lý giải. Tác động này làm gia tăng mạnh cầu vàng trong nước cao hơn.
Xem qua báo cáo tài chính của một công ty kinh doanh vàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho thấy giá trị hàng tồn kho đã có sự tăng lên đáng kể, ngay cả loại trừ yếu tố tăng giá thì khối lượng hàng tồn kho vẫn tăng (bảng 1).
Minh chứng này cho thấy quy mô của thị trường vàng đã tăng trưởng đáng kể, nghĩa là lượng cầu, vốn đầu tư vào vàng trong nền kinh tế đã lớn. Nếu nói về “vàng hóa nền kinh tế” thì mức độ đang trầm trọng hơn trước.
Bất cập NĐ 24
Như vậy, quy mô thị trường vàng trong nước gia tăng đã thúc đẩy sự gia tăng giá vàng trong nước, điều này làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới liên tục cao như ngày nay. Vậy, vai trò là người tham gia cuối cùng vào thị trường vàng ở khía cạnh tạo ra nguồn cung vàng cho thị trường, NHNN có tham gia sản xuất vàng miếng để bán ra thị trường như NĐ 24 đề cập? Nếu có thì mục tiêu của NHNN là gì?
Như lời nhận định cuối năm 2021 của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nguyên nhân của việc tồn tại chênh lệch lớn giá vàng trong nước với thế giới diễn ra ở vàng miếng là do NHNN không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường.
Nếu NHNN không tham gia nguồn cung vàng, thì cùng với sự lớn mạnh của thị trường vàng kéo theo xu hướng chênh lệch giá vàng này tiếp tục mở rộng, đặc biệt nhu cầu này được kích hoạt thêm nhờ vào tính bất định trong giá vàng thế giới khi thế giới đang đối mặt với lạm phát cao, xung đột Nga – Ukraine…
Nhưng nếu NHNN can thiệp vào thị trường vàng bằng việc xuất vàng dự trữ quốc gia hay nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng cung cấp cho thị trường, thì mục tiêu này liệu có chính đáng trong vai trò quản lý dự trữ ngoại hối của quốc gia?
Nếu NHNN thực hiện vai trò quản lý nhà nước bằng việc đáp ứng nhu cầu vàng của nền kinh tế, thì 1 trong 2 khả năng sẽ xảy ra: Thứ nhất, hoặc là xuất kho lượng vàng dự trữ để can thiệp thị trường, hoạt động này đưa đến tính hiệu quả qua các đợt mua vào/bán ra và cơ chế của việc mua vào/bán ra được thực thi như thế nào?
Tuy nhiên, như đã phân tích trên, quy mô thị trường vàng đang gia tăng cả về lượng và giá trị giao dịch, nghĩa là thị trường vàng Việt Nam cần bổ sung lượng vàng cho nền kinh tế.
Lượng vàng này sẽ đến từ việc NHNN mua vàng nguyên liệu trong nước, hoặc đến từ hoạt động nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng theo quy định của NĐ 24. Thứ hai, nếu nhập khẩu vàng cho hoạt động sản xuất vàng miếng thì dự trữ ngoại tệ sẽ giảm, người dân nắm giữ vàng như nắm giữ ngoại tệ. Hoạt động này mâu thuẫn với các quy định về quản lý ngoại hối của nền kinh tế.
Công ty kinh doanh vàng: Miếng mồi thơm
Cũng theo ông Long, 10 năm qua NHNN không cấp phép cho việc nhập khẩu vàng nguyên liệu thì làm sao có nguồn để can thị thị trường, nghĩa là chênh lệch giá vàng không thể khắc phục ở khía cạnh quản lý nhà nước. Việc thu hẹp chênh lệch này chỉ có thể trông cậy vào các công ty kinh doanh vàng. Liệu các công ty kinh doanh vàng có sẵn lòng bán ra lượng vàng tồn kho kinh doanh của mình để thu hẹp chênh lệch?
Nếu nhìn vào (bảng 1), giá trị hàng tồn kho đang gia tăng đáng kể từ vài trăm tỷ đồng cách đây 10 năm nay đã là hàng ngàn tỷ đồng. Nếu loại bỏ yếu tố tăng trong giá vàng tồn kho thì lượng hàng tồn kho đã tăng đáng kể. Điều này cho thấy cầu vàng trong dân và cầu vàng của các doanh nghiệp liên tục gia tăng và hiện tồn kho nhiều.
Hình 2: Chênh lệch giá mua/bán và giá vàng trong nước và thế giới.
Như vậy liệu rằng các công ty kinh doanh vàng chấp nhận giảm giá trị hàng tồn kho đang ở mức cao để thực hiện bán vàng ra nhằm thu hẹp chênh lệch? Câu trả lời là không và điều này chỉ có thể diễn ra khi tất cả đều nhìn thấy một kết cục của sự sụp đổ trong giá vàng thế giới.
Bởi lẽ hoạt động kinh doanh trong ngày của các công ty kinh doanh vàng luôn được hưởng lợi từ chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra. Chênh lệch này gia tăng khi có những biến động trong giá vàng thế giới. Mức chênh lệch này lên đến 1,6 triệu đồng/lượng so với giai đoạn ổn định quanh 600.000 đồng/lượng (hình 2). Chênh lệch giá mua bán phản ánh những dự phòng rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng và thường được mở rộng trong các giai đoạn giá vàng thế giới biến động mạnh.
Vậy hoạt động đầu tư vàng thông qua việc gia tăng trong lượng hàng tồn kho sẽ được xem xét dưới góc độ xu hướng của giá vàng. Điều này cũng dễ thấy, khi mức hàng tồn kho vàng của các công ty gia tăng mạnh khi giá vàng đối mặt với những bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu như chiến tranh thương mại, dịch bệnh toàn cầu, những xung đột địa chính trị… (vàng là công cụ đa dạng hóa đầu tư) và tiếp sức cho mối lo lạm phát (vàng là công cụ đầu tư trú ẩn trong thời kỳ lạm phát).
Hình 3: Chênh lệch giá vàng và tỷ lệ chênh lệch so với giá vàng thế giới.
Hoạt động đầu tư này được thực hiện thông qua các nguồn tài trợ rộng mở trong một thị trường tài chính phát triển. Đó là hoạt động bơm tiền của NHNN đã tiếp sức cho khả năng huy động vốn cho đầu tư của các công ty kinh doanh vàng.
Ngoài việc gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu thông qua những khoản lợi nhuận giữ lại hàng năm và phát hành thêm, các công ty kinh doanh vàng còn được tài trợ từ việc vay nợ trực tiếp từ ngân hàng (đương nhiên, hoạt động này hiện đang bị giới hạn theo luật các tổ chức tín dụng), vay thông qua các doanh nghiệp, các cá nhân trong mối quan hệ với cổ đông chi phối công ty kinh doanh vàng.
Đọc qua thuyết minh báo cáo tài chính, chúng ta dễ dàng thấy được hàng trăm tỷ đồng được đổ vào công ty kinh doanh vàng thông qua hoạt động vay mượn này mà không bị ràng buộc nào từ luật các tổ chức tín dụng. Nếu có nhiều báo cáo của các công ty kinh doanh vàng, chắc hẳn NHNN sẽ thống kê được tình trạng huy động này để đầu tư vàng.
Một công cụ huy động khác là trái phiếu doanh nghiệp không thể không đề cập. Tuy rằng NĐ 163 quy định về mục đích huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu không đề cập trực tiếp đến hoạt động đầu tư vàng, nhưng một công ty kinh doanh vàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu cho các hoạt động khác, để chuyển dịch khoản vốn tự có sang đầu tư vàng theo những cách thức riêng.
Liệt kê ra việc chủ ý mở rộng sử dụng các công cụ tài trợ cho thấy hoạt động đầu tư vàng đang là một bài toán đánh đổi rủi ro và lợi ích. Rủi ro khi có một kịch bản giảm giá mạnh trong giá vàng thế giới, và lợi ích là khi giá vàng thế giới tăng, đồng thời dù giá thế giới giảm thì giá trong nước khó giảm mà chỉ mở rộng chênh lệch giá trong nước và thế giới như đã phân tích trên. Điều này cho thấy phần lợi ích đang áp đảo trong các kịch bản đầu tư vàng.
Những hệ lụy khi buông lỏng thị trường vàng
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng trở nên nghiêm trọng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ so với giá vàng thế giới (bảng 2 và hình 3). Bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu cho thấy, khi chênh lệch lớn sẽ gây tác động tiêu cực lên tỷ giá hối đoái.
Trong khi đó những năm qua nhờ vào sự cải thiện trong cán cân thương mại từ thâm hụt triền miên sang sự thặng dư, đã góp phần gia tăng nguồn dự trữ ngoại tệ để NHNN can thiệp kịp thời vào thị trường ngoại hối. Dù thị trường ngoại hối ổn định thời gian qua, nhưng để rồi bác bỏ tác động của chênh lệch giá vàng lên tỷ giá khi không quản lý thị trường vàng sẽ là rủi ro cực lớn.
Một trong những tác động lớn từ thực trạng thị trường vàng trong 10 năm qua là cầu vàng đang gia tăng mạnh, lượng vàng nhập khẩu chính thức thì hạn chế, đã đưa đến tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới (những vụ án buôn lậu vàng thời gian qua rất nhiều từ Việt Nam - Campuchia). Việc không can thiệp vào thị trường vàng càng làm gia tăng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới một cách dai dẳng, sẽ làm cho nguồn lực phòng chống buôn lậu trở nên căng thẳng.
Điều đáng nói nữa chính là tính công bằng trong nghĩa vụ thuế. Hiện tại, các hoạt động kinh doanh từ bất động sản, chứng khoán, lãi trái phiếu… đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước hiện đang có quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây và có lợi nhuận cao. Nếu tính toán hoạt động đầu tư vàng từ đầu tháng 7-2021 đến nay nhà đầu tư vàng đã lãi trên 22%.
Tiền lãi này đến chủ yếu nhờ vào thực trạng cung vàng hạn chế của thị trường để đẩy chênh lệch giá cao hơn. Trong 22% tiền lãi trên, có đến trên 7% đóng góp nhờ vào chênh lệch giá vàng mở rộng. Và nếu tính từ năm 2012 đến nay hoạt động đầu tư vàng đã lãi được 66%/10 năm. Việc tính toán này đều dựa trên góc độ là người đi mua vàng theo giá bán và bán vàng theo giá mua được niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng.
Do vậy, thị trường vàng ngày nay cần được nghiên cứu, tổ chức lại để nâng cấp cho NĐ 24/2012, đáp ứng cho một bối cảnh mới của giá vàng.
Quy mô của thị trường vàng đã tăng trưởng đáng kể, nghĩa là lượng cầu, vốn đầu tư vào vàng trong nền kinh tế đã lớn. Nếu nói về “vàng hóa nền kinh tế” thì mức độ đang trầm trọng hơn trước. |