Thao túng thông tin, kiểm soát nguồn tài chính
Từ trước cuộc bầu cử, các Big Tech đã gây chú ý khi đồng loạt ẩn hoặc hạn chế thông tin về các tài liệu rò rỉ từ chiếc laptop bị bỏ quên của Hunter Biden, con trai ông Joe Biden. Thậm chí, Twitter lúc đó đã đình chỉ tài khoản hãng tin New York Post có hơn 100 năm tuổi vì đã đưa tin về việc này. Khi đó, người ta đã nhận thấy Big Tech có quyền lực vượt trên các cơ quan báo chí, vốn được xem là quyền lực thứ tư. Điều này càng được thể hiện rõ hơn qua việc Big Tech "tắt tiếng" một Tổng thống Mỹ đương nhiệm, người được coi quyền lực nhất hành tinh.
Sau cuộc biểu tình ngày 6-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và những người ủng hộ ông đã bị cấm sử dụng một số nền tảng xã hội lớn như Twitter, Facebook, Instagram, Snapchat, Reddit và Twitch. YouTube cũng tham gia nỗ lực ngăn chặn phát ngôn của Tổng thống Mỹ thông qua các video, khi đình chỉ kênh của ông 1 tuần lễ (qua ngày nhậm chức của ông Biden), cũng như xóa các kênh hoặc video ủng hộ ông Trump. Apple, Google và Amazon cũng liên thủ đánh sập mạng xã hội Parler, vốn được người ủng hộ ông Trump ưa chuộng.
Chưa hết, các Big Tech còn chặn nguồn tài chính ủng hộ họ. Amazon tuyên bố đình chỉ các khoản quyên góp cho các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại việc chứng nhận kết quả bầu cử cho ông Biden. Airbnb, AT&T, Comcast, Intel cũng có động thái tương tự, trong khi Verizon đóng băng các khoản đóng góp cho thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu phản đối chứng nhận kết quả bầu cử.
Thế lực đáng sợ
Thế lực đáng sợ
Quy mô quá lớn của các Big Tech luôn là nỗi lo của các nhà chức trách. Các chính phủ từ Mỹ, Âu và Trung Quốc đều gia tăng các biện pháp kiềm chế quyền lực của Big Tech. |
Trong thực tế, các chính phủ luôn cảm thấy bất an trước sức ảnh hưởng ngày một lớn của các Big Tech đối với nền kinh tế internet và luồng thông tin người dân có thể tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng nhất. Theo Dipayan Ghosh, đồng Giám đốc dự án Dân chủ và nền tảng số thuộc Harvard Kennedy School, tiến bộ trong điện toán, lưu trữ dữ liệu và kết nối điện tử trên toàn cầu khiến quy mô của các Big Tech tăng mạnh. Ngày nay, với hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), các Big Tech được trao quyền kiểm soát nội dung thông tin, quảng cáo và dữ liệu cá nhân mạnh mẽ hơn.
Trước những động thái kiểm duyệt vô tiền khoáng hậu của các Big Tech, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã lên tiếng chỉ trích gay gắt. Phát biểu với báo giới hôm 11-1, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel khẳng định: “Quyền tự do bày tỏ ý kiến là điều quan trọng cơ bản. Twitter có thể gắn cờ các tweet không chính xác về bầu cử Mỹ 2020 của ông Trump, nhưng cấm tài khoản là bước đi quá xa”. Còn Ủy viên EU Thierry Breton đã mô tả việc các Big Tech khóa tài khoản của ông Trump là "khoảnh khắc khủng bố 11-9 của mạng xã hội".
Công chúng cũng bày tỏ lo ngại với quyền lực quá lớn của các Big Tech, được thể hiện qua phiên bán tháo trong ngày giao dịch đầu tiên sau các quyết định gây sốc. Cổ phiếu Twitter đã giảm tới 12% xuống còn 45,17USD trong phiên giao dịch 11-1. Tính đến cuối phiên, cổ phiếu của Twitter giảm 6,4% (tương đương 5 tỷ USD). Cổ phiếu của các Big Tech tham gia ngăn chặn ông Trump cũng bị giảm mạnh: Apple giảm 2,3% (51,6 tỷ USD), Facebook giảm 4% (33,6 tỷ USD), Amazon.com giảm 2,2% (34,4 tỷ USD), công ty mẹ của Google, Alphabet giảm 2,3% (28 tỷ USD). Tổng cộng, 5 Big Tech nói trên mất 152,6 tỷ USD trong phiên giao dịch ngày 11-1.
Thâm nhập nội các và bộ, ngành
Thâm nhập nội các và bộ, ngành
Vào ngày 20-1 tới, ông Joe Biden và cấp phó Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46. Dù ông Biden chưa đưa ra kế hoạch cụ thể cho chính sách về công nghệ thông tin liên bang, nhưng ông được dự báo sẽ nhẹ tay hơn với các Big Tech, vì ông được cho là người nhận tài trợ từ Big Tech lớn hơn bất kỳ ứng viên nào trong lịch sử nước Mỹ. Các khoản quyên góp cho đảng Dân chủ của cư dân Khu vực Vịnh (nơi tọa lạc Thung lũng Silicon - thủ phủ của Big Tech) đã tăng từ 163 triệu USD năm 2016 lên 199 triệu USD năm 2020. Trong khi đó, ông Trump chỉ nhận được 800.000USD năm 2016 và 22 triệu USD năm 2020 từ khu vực này.
Không chỉ vậy, nhân viên cấp cao của những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google và Twitter đang chuẩn bị tham gia chính quyền của ông Joe Biden. Điều này sẽ cho phép các Big Tech tiếp cận những người ra quyết định, bao gồm cả tổng thống, thậm chí có khả năng kết hợp các chính sách của Big Tech với của chính phủ. Một trong những nhân vật quyền lực nhất Nhà Trắng vào cuối tháng này sẽ là Jessica Hertz, cựu luật sư của Facebook, người sẽ làm nhân viên thư ký Nhà Trắng của Biden, kiểm tra thư từ, quy định và các cuộc hẹn làm việc của ông.
Emily Horne, người sẽ kết nối thông tin liên lạc của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) với giới truyền thông, đã làm việc tại Twitter trong 2 năm 2017 và 2018. NSC có đội ngũ nhân viên lớn làm việc trong Nhà Trắng, và có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của chính quyền về quốc phòng và đối ngoại.
Mark Schwartz từ Web Services của Amazon đang giúp việc bổ nhiệm người vào Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, cơ quan kiểm soát chính sách chi tiêu trong bộ máy hành chính liên bang.
Giám đốc chương trình toàn cầu của Google, Deon Scott đang xem xét các ứng viên nộp đơn vào Bộ An ninh Nội địa. Phụ tá phản ứng chiến lược của Facebook Zaid Zaid thuộc nhóm tuyển dụng của Biden cho các công việc của Bộ Ngoại giao. Tương tự, Giám đốc thuế quốc tế của Amazon, Tom Sullivan, đang giúp tuyển dụng cho Bộ Ngoại giao. Còn Cynthia Hogan của Apple với tư cách là phó chủ tịch phụ trách chính sách công và các vấn đề chính phủ, đã giúp việc tuyển chọn cấp phó cho ông Biden.