Bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng 'vàng hóa'

(ĐTTCO)-Cần sớm có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới ở mức cao.

Trong mấy tháng trở lại đây, giá vàng trên thị trường thế giới tăng, khiến giá vàng miếng trong nước, chủ yếu là vàng có thương hiệu SJC tăng theo. Ảnh minh họa.
Trong mấy tháng trở lại đây, giá vàng trên thị trường thế giới tăng, khiến giá vàng miếng trong nước, chủ yếu là vàng có thương hiệu SJC tăng theo. Ảnh minh họa.

Bình ổn thị trường vàng

Trong mấy tháng trở lại đây, giá vàng trên thị trường thế giới tăng, khiến giá vàng miếng trong nước, chủ yếu là vàng có thương hiệu SJC tăng theo. Vấn đề bất thường là mức tăng của giá vàng miếng SJC có thời điểm lên tới 80 triệu đồng/lượng, kéo chênh lệch giá vàng miếng trong nước với giá vàng miếng thế giới có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Có người đã nói vui. chỉ có 3 chữ SJC và 1 logo được đóng trên miếng vàng giá trị tới 20 triệu đồng.

Thực tế này đặt ra vấn đề cần sớm có giải pháp quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới ở mức cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.

Hiện Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu vàng miếng. Việc vàng được nhập về hay không, nhiều hay ít, quyền quyết định thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

Vàng miếng SJC cũng là thương hiệu vàng được Ngân hàng Nhà nước quản lý từ hơn 10 năm nay và Nghị định 24 là công cụ pháp lý để quản lý thị trường này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có sự thay đổi.

Ông Trương Văn Phước - Nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: "Nhà nước cần có một chính sách để tạo ra nguồn cung, bên cạnh lượng vàng nhập khẩu về để chế tác gia công hàng mỹ nghệ".

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: "Ngân hàng Trung ương có thể quản lý bằng cách mình là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng vì Ngân hàng Trung ương có thể mua vàng để dự trữ, thậm chí bán vàng dự trữ ra để cân bằng thị trường".

Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng và sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 24.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: "Ngay trong tháng 1, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 và đề xuất các giải pháp quản lý thị trường phù hợp với diễn biến tình hình mới".

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan khác để tăng cường quản lý thị trường vàng, tránh những xáo trộn gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ.

Tôi nghĩ có có hai nguyên nhân chính: Nguồn cung vàng miếng có hạn. Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không sản xuất thêm vàng miếng SJC nữa; Thứ hai, trong khi nguồn cung hạn chế như vậy, nhu cầu của người dân đối với thương hiệu vàng miếng quốc gia luôn ở mức cao. Tâm lý của người dân là muốn giữ thương hiệu vàng miếng đó nên cầu lớn hơn cung rất nhiều. Từ đó, tạo khoảng cách chênh lệch rất cao".

Diễn biến giá vàng trong hơn 10 năm qua

Quay trở lại giai đoạn 2009 - 2011, nhằm không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để giá vàng tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 "về quản lý hoạt động kinh doanh vàng" quy định, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ có duy nhất thương hiệu này.

Ở thời điểm đó, tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế đã được chấm dứt. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, nhất là những năm gần đây, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC vẫn là doanh nghiệp độc quyền vàng miếng trong nước.

Nhìn vào biểu đồ trên sẽ thấy giá vàng trong giai đoạn 2010- 2023 dao động không theo bất cứ một quy tắc nào, nhưng nhìn chung có xu hướng đi lên. Từ năm 2011 - 2013 giá vàng luôn trong xu hướng tăng. Từ năm 2013 - 2015, giá vàng giảm liên tiếp 3 năm. Đến năm 2016 là năm chấm dứt chuỗi giảm giá vàng kéo dài 3 năm liền từ 2013 - 2015, tuy nhiên thị trường vàng cũng không biến động gì nhiều.

Rất hiếm khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, nhưng lần đầu tiên trong năm 2016, giá vàng SJC thấp hơn 2 lần so với giá vàng thế giới. Lần thứ nhất xảy ra vào ngày 10/3, giảm hơn 130.000 VND/lượng. Lần thứ hai xảy ra vào ngày 30/06, giảm khoảng 290.000 VND/lượng.

Giá vàng qua các năm từ 2016 - 2018 bị chững và khá ổn định.

Năm 2019 là đỉnh cao của vàng, vàng tăng liên tục. Từ 2020 - 2023, vàng tăng đột biến do ảnh hưởng dịch bệnh, địa chính trị và kinh tế bất ổn.

Trong suốt hơn 10 năm qua, giá vàng SJC luôn ở mức cao hơn giá vàng thế giới. Từ vài triệu đồng cho đến khoảng 20 triệu đồng mỗi lượng. Sự chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới được cho là chủ yếu đến từ việc nguồn cung vàng bị hạn chế.

Cần minh bạch thị trường vàng

Dư luận đang đặt vấn đề có cần thiết hay không duy trì sự độc quyền về vàng miếng SJC? Nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức… đồng thời rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức.

Hơn 10 năm nay, SJC vốn là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã phải chuyển giao toàn bộ máy móc dập, cán vàng miếng cho Ngân hàng Nhà nước quản lý. Cũng từ đó, chỉ khi có lệnh của Ngân hàng Nhà nước thì doanh nghiệp mới triển khai gia công trước sự giám sát của cán bộ chuyên trách Ngân hàng Nhà nước.

"Nguồn cung không đủ cho nhu cầu, chính vì vậy đã diễn ra việc khan hiếm, mà cái gì khan hiếm sẽ bị chênh lệch", bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC nói.

Dư luận đang đặt vấn đề có cần thiết hay không duy trì sự độc quyền về vàng miếng SJC? Ảnh minh họa.

Vậy việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC có giải quyết được chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Ngay cả SJC cũng đang mong mỏi muốn bỏ sự độc quyền của mình để được trở lại hoạt động như trước Nghị định 24.

"SJC mong muốn thương hiệu này trả lại cho SJC. SJC mong muốn doanh nghiệp nào đủ điều kiện cũng được dập vàng miếng của người ta", bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC cho biết.

"Cơ hội bây giờ đã chín muồi để cho ta từ bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Trung ương", ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá.

Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Những đóng góp, đề xuất từ phía doanh nghiệp, chuyên gia chắc chắn cũng sẽ là nguồn thông tin hữu ích để cơ quan này gỡ bỏ những bất cập và thực hiện mục tiêu chống vàng hóa và đô la hóa cho nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế dự báo trong bối cảnh quốc tế biến động, giá vàng thế giới có thể lập đỉnh mới trong năm nay. Nếu không sớm có giải pháp, giá vàng miếng trong nước sẽ còn có diễn biến phức tạp.

Rõ ràng, thực tiễn đang đòi hỏi cần phải rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Nhất là phải bảo đảm thị trường vàng trong nước hoạt động theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Các tin khác