Đáng nói là những giải pháp trên đã được nêu từ lâu. Nhưng trong những tháng trước đó, trả lời chất vấn của Tuổi Trẻ trước các kiến nghị về hạn chế xuất khẩu phân bón, giảm thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu, lãnh đạo Cục Hóa chất của Bộ Công thương luôn cho là không đủ cơ sở.
Kết quả là chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, giá phân bón các loại tăng chóng mặt, có loại tăng tới 60 - 70%, tạo ra gánh nặng rất lớn cho nông dân bởi đúng vào giai đoạn sử dụng phân bón tăng cao cho mùa vụ mới và sản phẩm trồng trọt làm ra khó tiêu thụ, giá giảm sâu vì dịch COVID-19. Nhiều nông dân thua lỗ nặng nề, không đủ khả năng đầu tư cho vụ mới đã nghĩ đến chuyện bỏ đồng ruộng.
Ngược lại, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước liên tục báo lãi lớn trong quý 1 rồi quý 2-2021 do sản lượng bán ra tăng, đặc biệt là giá tăng cao hơn nhiều so với chi phí đầu vào. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón và cả Bộ Công thương đều cho rằng giá phân bón trong nước tăng là do giá phân bón và nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh...
Tình cảnh khó khăn của nông dân đến mức đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón thuộc hàng lớn nhất Việt Nam nhiều lần phải kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT hãy cứu nông dân bằng cách can thiệp thị trường.
Đó là hạn chế xuất khẩu thông qua chính sách thuế, tăng lượng nhập khẩu về bằng giảm thuế tự vệ (phân DAP, MAP) và các loại thuế phí liên quan.
Giám đốc của doanh nghiệp này cho biết giá phân bón trong nước càng cao thì những đơn vị nhập khẩu như công ty của ông càng lời lớn, nhưng làm như thế là hại nông dân và lâu dài sẽ làm giảm nhu cầu phân bón khi nông dân giảm đầu tư.
Phải đến gần 5 tháng sau, ông Nguyễn Văn Thanh, cục trưởng Cục Hóa chất, mới thừa nhận Bộ Công thương đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để làm cơ sở báo cáo Thủ tướng nhằm sớm có giải pháp bình ổn thị trường phân bón.
Với ý kiến đề xuất về việc tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón, Bộ trưởng Bộ Công thương đã giao nhiệm vụ cho Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên nghiên cứu kỹ các quy định của WTO để có cơ sở giải trình với Thủ tướng đề xuất biện pháp áp dụng.
Với nhiều nông dân, mọi thứ đã quá muộn. Tiêu thụ phân bón mang nặng tính chu kỳ, mùa vụ. Khi Bộ Công thương nghiên cứu hạn chế xuất khẩu phân bón thì thời điểm sử dụng phân bón nhiều nhất đã qua. Đến nay, giá phân bón đã bắt đầu chững lại và sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới.
Còn nhớ vào tháng 3-2020, Bộ Công thương đã bất ngờ đề nghị tạm ngưng xuất khẩu gạo khiến thị trường chao đảo. Lúc đó, Bộ Công thương đã nghiên cứu kỹ các quy định của WTO?
Với ngành phân bón, Bộ Công thương cũng áp thuế tự vệ từ năm 2017 đến nay. Chả lẽ trong quá trình nghiên cứu về các quy định của WTO về áp thuế tự vệ, các ban ngành của Bộ Công thương cũng không nghiên cứu đến các chính sách liên quan?
VN đã tham gia WTO từ năm 2007, tức hơn 14 năm rồi. Lẽ ra mọi vấn đề pháp lý của từng ngành đã có các kịch bản để khi cần là có thể áp dụng ngay. Nhưng nay Bộ Công thương mới bắt đầu nghiên cứu các quy định của WTO để hạn chế xuất khẩu phân bón.
Không ít ý kiến đã đặt vấn đề: chính sách của Bộ Công thương với phân bón không chỉ lệch pha mà còn thể hiện sự thiếu quan sát phản ứng của thị trường, thiếu lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp và cả sự vô cảm trước tiếng nói của nông dân. Bộ Công thương cần cầu thị hơn, lắng nghe tiếng nói của nông dân, doanh nghiệp nhiều hơn nữa.