Nhưng đây lại là cơ hội to lớn cho những ai dám chấp nhận một thế giới mới khác biệt, dám làm chủ nó và đi đầu. Cách tiếp cận khác biệt, cách nhìn khác biệt, rất Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam đi đầu về IoT.
Phát triển nền công nghiệp an ninh mạng
Với chiến lược đến năm 2020, về cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước, Việt Nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt hạ tầng kết nối IoT.
Thuận lợi lớn nhất là chúng ta có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh, có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ TT-TT đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.
IoT sẽ tạo ra nhiều dữ liệu nhất. Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu, IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn. Khai thác dữ liệu này sẽ tạo ra các giá trị mới. IoT càng nhanh bao nhiêu càng nhiều mỏ dầu bấy nhiêu. Nếu chúng ta coi mỗi Sensor là một mỏ dầu, giá của một Sensor quá nhỏ so với giá trị mà nó mang lại. Chúng ta càng khai thác dữ liệu hiệu quả bao nhiêu, đầu tư cho IoT càng rẻ bấy nhiêu.
Bởi vậy, AI và Big Data là các công nghệ đi kèm với IoT như cặp bài sinh đôi. IoT chính là cách để chuyển thế giới vật lý thành thế giới ảo, và làm cho xã hội của chúng ta sáng tạo hơn.
Phải có cách tiếp cận phù hợp với cuộc CMCN 4.0 để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, các sáng tạo đổi mới, nắm bắt được cơ hội để bứt phá. Muốn vậy phải có tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận. |
Toàn bộ thế giới được ảo hóa. Toàn bộ quá trình sáng tạo, bao gồm thiết kế, tạo sản phẩm mẫu, thử nghiệm sẽ được thực hiện trong thế giới ảo. Nhanh hơn và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với chúng ta thực hiện điều đó trong thế giới thực.
Chi phí sáng tạo nhỏ đến mức từng cá nhân có thể sáng tạo bằng chi phí của mình. Đây thực sự sẽ là cuộc cách mạng trong sáng tạo. IoT chính là cách để giúp từng người Việt Nam có thể sáng tạo, điều này là rất phù hợp với tính cách đa dạng của người Việt Nam.
IoT làm cho thế giới của chúng ta thông minh hơn. IoT sẽ làm thế giới vật lý - những vật vô tri vô giác cất tiếng nói. Các con đường trong nội đô sẽ lên tiếng nói rằng tôi còn chỗ trống và bạn có thể đỗ xe. IoT hóa thế giới vật lý là quá trình thông minh hóa thế giới và cuộc sống của chúng ta. IoT còn là một xã hội thông minh, tức một xã hội hiệu quả hơn Việt Nam khan hiếm nhiều tài nguyên, IoT là cứu cánh để sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn. Vì thế, IoT phải đi liền với an toàn, an ninh thông tin.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới ảo bị kẻ xấu xâm nhập và điều khiển? Thế giới càng bị ảo hóa bao nhiêu, chúng ta sống trong thế giới ảo càng nhiều bao nhiêu, tầm quan trọng của an toàn, an ninh thông tin càng lớn bấy nhiêu. Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp về an ninh mạng.
Người Việt Nam trên toàn cầu, có rất nhiều người giỏi về an ninh mạng. Đây cũng là cơ hội của chúng ta để đảm bảo an ninh mạng cho các thiết bị IoT. Việc sớm ứng dụng, và ứng dụng rộng rãi IoT sẽ góp phần giúp Việt Nam thành cường quốc về an ninh mạng.
Cơ hội lần này không thể bỏ qua
IoT là một ngành công nghiệp, đầu tiên là công nghiệp sản xuất Sensor. Điện thoại di động đã là ngành công nghiệp khổng lồ vì mỗi người dân sở hữu một chiếc, số lượng 6-7 tỷ chiếc. Nhưng IoT lớn hơn rất nhiều. Nó sẽ là hàng trăm, hàng ngàn tỷ thiết bị.
Việt Nam đã bỏ lỡ thời kỳ sản xuất thiết bị điện tử dân dụng, thiết bị đầu cuối như điện thoại di động, nên phải nắm bắt cơ hội sản xuất IoT. Đi thẳng vào sản xuất thiết bị IoT, bắt đầu từ làm chủ thiết kế, tích hợp thành sản phẩm thương mại hoàn chỉnh, làm chủ công nghệ cốt lõi. Đó là cơ hội cho ngành công nghiệp ICT Việt Nam.
IoT bao gồm công nghệ nền tảng, platform và ứng dụng. Công nghệ nền tảng cần khoảng 5% doanh nghiệp làm, không cần nhiều, có thể là các công ty lớn, có tiềm năng công nghệ và tài chính, cần đầu tư trước, như Viettel, Vingroup, VNPT, FPT, CMC. Các doanh nghiệp tạo Platform có thể nhiều hơn, khoảng 15%, có thể là các doanh nghiệp công nghệ phần mềm, tạo ra platform và công cụ để viết ứng dụng. Còn lại 80% là các công ty phát triển ứng dụng, có thể là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là cá nhân.
Như vậy, để phát triển IoT các doanh nghiệp lớn, bất kể là tư nhân hay nhà nước, với trách nhiệm với đất nước phải đầu tư trước, phải tạo ra công việc, điều kiện làm việc, để những người giỏi nhất về IoT trên thế giới về đây làm việc, sẽ là hạt nhân để tạo ra nhân lực IoT Việt Nam. Cách tạo nguồn nhân lực tốt nhất là tạo ra công việc thách thức.
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.
Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech. Trong CMCN 4.0, sự sáng tạo thường mang tính phá hủy cái cũ.
Theo đó, chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về, nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác. Đi sau người khác, đi cùng người khác sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta.