Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2021 đến nay, tổng giá trị giải ngân tại các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt 13,5% so với kế hoạch năm 2021.
Cụ thể, tổng giá trị giải ngân từ đầu năm 2021 đến giữa tháng Tám là 546,2 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch năm 2021; trong đó, nhóm dự án đang lập đề xuất, điều chỉnh chủ trương đầu tư giải ngân được 40 tỷ đồng, đạt 25,7% kế hoạch năm; nhóm dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giải ngân được hơn 506 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch năm.
Trong số các dự án đã phê duyệt báo báo cáo nghiên cứu khả thi, các dự án dự kiến khởi công năm 2021 hiện chỉ giải ngân 16,7 tỷ đồng đạt 4,7% kế hoạch năm.
Nhóm dự án đang triển khai thi công giải ngân hơn 336,9 tỷ đồng, đạt 16,6%. Nhóm dự án còn lại đã giải ngân 64 tỷ đồng, đạt 20,6% kế hoạch năm 2021.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 dự án đang lập đề xuất hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư; trong đó, có dự án lớn như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh); 3 dự án khép kín đường Vành đai 2; 5 dự án của Vành đai 3; cầu Thủ Thiêm 4; cầu Cần Giờ; cầu Rạch Dơi; dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành…
Thành phố cũng đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi 3 dự án là nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức); mở rộng Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa.
Ngoài ra, thành phố có 4 dự án dự kiến khởi công năm 2021 gồm dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội giáp sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Cộng Hòa; dự án cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào Khu công nghiệp Phú Hữu) và dự án Phát triển giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến các vướng mắc chung hiện nay, theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang thực hiện theo Chỉ thị 16/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc bố trí nhân lực thi công xây dựng các công trình, cũng như triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Điều này dẫn đến chậm tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ thi công xây dựng công trình.
Trong báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng Tám, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn và hầu hết các dự án đang thi công cầm chừng. Thành phố tăng cường thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg nên rất ít dự án có đủ điều kiện “3 tại chỗ” được tiếp tục thi công.
Ngoài ra, giá vật tư ngành xây dựng tăng, việc đấu thầu, chọn thầu bị chậm trễ; một số nhà sản xuất bê tông tạm dừng hoạt động do dịch COVID-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung cấp nguyên liêu cho các công trình.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản chỉ cho phép 7 công trình xây dựng cấp bách trên địa bàn được tiếp tục thi công.
Đó là các công trình xây dựng phục vụ phòng chống dịch COVID-19; tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên); dự án cầu Thủ Thiêm 2; công trình xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ; ba công trình xây dựng tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Ngoài ra, ngày 24/8 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương triển khai thi công trở lại đối với Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Thành phố giao Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình hướng dẫn, giám sát đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại dự án. Trước đó, đầu tháng Tám, khu vực dự án phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19 nên phải tạm dừng thi công.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tổng dự án, công trình trọng điểm giao thông vận tải năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm 46 dự án; trong đó, có 39 dự án giao thông đường bộ; 4 dự án đường sắt đô thị; 1 dự án đường thủy; 1 dự án giao thông xanh (BRT) và 1 dự án cụm cảng.