Thời gian qua môi trường kinh doanh đã phần nào được cải thiện, trở nên an toàn hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế nhận định, trong tình hình mới việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ khó khăn và phức tạp hơn, ẩn chứa nhiều thử thách cần phải khắc phục.
Theo báo cáo mới công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường đầu tư kinh doanh thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, năng lực cạnh tranh được nâng cao và trở thành tâm điểm trong hoạt động của Chính phủ trong 5 năm qua.
Theo đó, việc rà xét, cắt giảm thủ tục kinh doanh đã được thực hiện mạnh mẽ. Cụ thể như năm 2016 đã có cuộc cách mạng đầu tiên, bãi bỏ, chuyển đổi hàng ngàn điều kiện kinh doanh hay nói cách khác là xóa bỏ các “giấy phép con”. Năm 2018 ghi dấu bằng việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành, có 50% - 60% các thủ tục được cắt giảm. Bước sang năm 2020 có Nghị quyết yêu cầu cắt giảm 20% các quy định liên quan đến kinh doanh… Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện đen lại nhiều thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Barnes cũng nhận định, bất chấp những thách thức của Covid-19 trong năm ngoái, hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân Việt Nam trong 5 năm qua rất ấn tượng.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp tục là nguồn lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và việc là, đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào nền kinh tế cũng lớn hơn nhiều so với ở các quốc gia đang phát triển khác. Chính sách công tốt cũng là một đóng góp quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Ví dụ, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 đã giúp khu vực tư nhân thúc đẩy đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam”, Phó Đại sứ Andrew Barnes nói.
“Dù đã giảm được sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng còn không ít doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn bị đối xử bất bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp “sân sau” nên đây cũng là vấn đề đáng lo ngại”, ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.
Chủ tịch VCCI lưu ý, Việt Nam đã giảm các điều kiện gia nhập thị trường trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tạo điều kiện rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực yêu cầu đầu tư lớn, thu hồi vốn kéo dài thì tình trạng rủi ro do biến động chính sách vẫn rất đáng quan ngại, cản trở nhiều doanh nghiệp lớn bỏ tiền đầu tư.