Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm 2022 tăng khoảng 3,27%-3,51%; Tổng cục Thống kê dự báo khoảng 3,2%-3,5%.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời tạo tuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh VGP
Các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, theo dõi sát kinh tế và lạm phát thế giới và các biện pháp ứng phó của các nước, đặc biệt là các nước lớn, các đối tác thương mại quan trọng của nước ta; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường để kịp thời có các biện pháp điều hành giá chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo mục tiêu đề ra, phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá phù hợp…
Phó Thủ tướng yêu cầu chủ động thực hiện các biện pháp điều hành giá phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải… Bộ Công thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.
Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (dịch vụ y tế, giáo dục, điện), các bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp. Các bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá…