Thiếu DN lớn có tầm vóc dẫn dắt
Với 758.610 DN hoạt động trên cả nước hiện nay, có đến 97,2% DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong đó 93,7% là DN nhỏ và siêu nhỏ, riêng DN siêu nhỏ chiếm tới 62,6%. DN quy mô lớn có khoảng 17.000, chiếm 2,8% tổng số DN hoạt động.
Về thành phần kinh tế, tính theo số DN đang hoạt động có kết quả kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016-2018, cả nước có 558.703 DN, trong đó có 540.548 DNTN, chiếm 96,8%; 15.686 DN FDI, chiếm 2,8%; 2.469 DNNN, chiếm 0,4% tổng số DN hoạt động.
Tình trạng thiếu vắng DNTN quy mô vừa kéo dài nhiều năm, đặc biệt thiếu những DNTN lớn, những “cánh chim đầu đàn” đóng vai trò dẫn dắt, đã khiến khối DNTN chỉ hoạt động cầm chừng trong một thời gian dài. Tốc độ chuyển dịch DN từ nhỏ lên vừa rất chậm và tỷ lệ chuyển lên được cũng rất thấp.
Vài năm gần đây có thêm hiện tượng hàng trăm DNTN phải mất 10-20 năm mới phát triển lên quy mô vừa, nhưng khi tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập vào DN khác, chủ yếu là DN FDI.
Đây đang là một trong những điểm nghẽn trên con đường phát triển của DNTN nói riêng và KTTN Việt Nam nói chung.
Thực tế cho thấy, các DNTN không thể tự mình bứt phá để đi lên nếu không có các DNTN lớn đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập ra chuỗi giá trị. DNNVV là lực lượng quan trọng của KTTN, nhưng để tạo ra cú hích cho KTTN phát triển cần có những DN “đại bàng”.
Ở khía cạnh này, mô hình phát triển các chaebol Hàn Quốc có thể là một hàm ý chính sách cho việc xây dựng các tập đoàn KTTN ở Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), chia sẻ: “Kinh nghiệm của Hàn Quốc với các chaebol cho thấy xây dựng một nền kinh tế công nghiệp hiện đại sẽ không thể đạt được khi dựa vào các DNNVV. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi muốn xây dựng các DNTN lớn có tầm vóc. Bởi chỉ các DN lớn với khả năng tiếp cận vốn, công nghệ mới là những chủ thể có thể tham gia các dự án hạ tầng quy mô lớn, hay sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Ngược lại, DNTN chỉ có thể chiếm lĩnh thị phần khi được Chính phủ ủng hộ các ý tưởng mới, bắt đầu từ việc ủng hộ những mầm nhỏ trong lĩnh vực địa ốc, phát triển khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng, phát triển thị trường nội địa, nhất là ở khu vực nông thôn rộng lớn và đô thị có thu nhập tăng nhanh”.
Theo ông Hong Sun, những năm của thập niên 80 thế kỷ trước, là giai đoạn đầy khó khăn và khốc liệt của các DNTN Hàn Quốc, song cũng là giai đoạn đóng vai trò quyết định để các tập đoàn tư nhân thực sự có thực lực, làm chủ vốn và công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo lập được chuỗi giá trị để kéo KTTN phát triển theo.
Trong những năm 90, 5 chaebol lớn nhất là Samsung, Hyundai, LG, Daewoo và SK đã tạo ra tới 50% tổng GDP của Hàn Quốc.
Câu chuyện “chia bánh”
Câu chuyện “chia bánh”
Việc các DNTN “đại bàng” hợp tác và san sẻ nguồn lực cùng các DNTN nhỏ và vừa khác để cùng phát triển, có thể xem là điều kiện đủ cho KTTN có thể cất cánh. TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn của Chính phủ, một trong những điểm cần lưu ý khi tập trung xây dựng các DNTN “đại bàng” là câu chuyện “chia bánh” thị trường và lĩnh vực đầu tư sao cho phù hợp, để các DNTN không dẫm chân lên nhau, mà có thể hợp lực cùng phát triển: “Các DN đại bàng đều có thế mạnh riêng và lĩnh vực đầu tư đặc thù của riêng mình. Thí dụ, các DNTN chuyên về lĩnh vực công nghệ nên tập trung chuyên sâu vào công nghệ, DN chuyên về giao thông nên tập trung sâu vào giao thông, hay DN chuyên về địa ốc hãy làm sâu về địa ốc.
Nghĩa là DNTN chuyên về lĩnh vực gì cần phải làm chủ được cả về công nghệ lẫn nguồn vốn để chuyên sâu về lĩnh vực đó, tránh ôm đồm quá nhiều và đầu tư dàn trải, rốt cuộc sẽ không đem lại được kết quả như mong muốn”.
Thực tiễn đã cho thấy, chính sự dàn trải lực lượng của nhiều DNTN không chỉ gây ảnh hưởng tới lĩnh vực chính, còn là nguyên nhân của tình trạng quản lý kém ở nhiều lĩnh vực được mở rộng. Do đó, ở phương diện này, cần có sự định hướng cũng như hỗ trợ chính sách từ Nhà nước.
Đơn cử, tại Hàn Quốc những năm 50 và đầu năm 60 thế kỷ trước, các công ty trong nước chủ yếu sản xuất dệt may. Nhưng vào những năm 70, chính phủ quyết định phát triển nhanh các ngành công nghiệp nặng bao gồm thép, hóa dầu, ô tô, chế tạo máy, đóng tàu và điện tử. Chính phủ đã chọn ra những chaebol có nhiều tiềm năng nhất và thúc đẩy họ thực thi kế hoạch này bằng những khoản vay ưu đãi khổng lồ.
Đến cuối những năm 80, một số chaebol đã trở thành tập đoàn lớn ở quy mô quốc tế. Mỗi chaebol trung bình có hàng chục công ty con chuyên kinh doanh các lĩnh vực khác nhau.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi xây dựng được các chuỗi giá trị, việc các DNTN “đại bàng” hợp tác và san sẻ nguồn lực cùng các DNTN nhỏ và vừa khác để cùng phát triển, có thể xem là điều kiện đủ cho KTTN có thể cất cánh. Các DN “đại bàng” cần có tầm nhìn rộng, có giá trị cốt lõi, mục tiêu chiến lược, phải làm những cái mới mẻ, những cái các DNTN nhỏ và vừa không làm được, chứ không phải ôm đồm tất cả.
Lấy dẫn chứng, sau khi xây dựng nên các chuỗi giá trị sản xuất, các tập đoàn Nhật Bản thường không tự mình phát triển các cơ sở công nghiệp hỗ trợ, mà đặt hàng các DN khác, trong đó phần đông là DNNVV sản xuất và cung cấp.
Điều này vừa giúp hoàn thiện nguồn cung, vừa giúp DNTN nhỏ và vừa khác vươn lên, đồng thời hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất theo hướng bền vững.