Doanh nghiệp Việt: Thiếu liên kết, chỉ luẩn quẩn sân nhà

(ĐTTCO)-Theo các chuyên gia, việc thiếu tính liên kết với nhau chính là “gót chân Achilles” của DN Việt Nam hiện nay, là trở ngại khi xây dựng các chuỗi giá trị hướng đến cạnh tranh và xuất khẩu thị trường nước ngoài.
Thiếu liên kết nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ luẩn quẩn trên sân nhà.
Thiếu liên kết nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ luẩn quẩn trên sân nhà.
Những “củ khoai tây rời rạc”
Theo Sách trắng DN Việt Nam năm 2020 do Bộ KH-ĐT công bố, hiện cả nước có hơn 750.000 DN đang hoạt động. Cùng với đó, nhiều hiệp hội DN đã được xây dựng, như Hiệp hội Cà phê Ca cao, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản…
Trong nhiều năm qua, Việt Nam được biết đến như nhà cung ứng lớn của thế giới, với nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản, gỗ... Nhưng nghịch lý là dù có mức tăng trưởng nhanh về số lượng, DN Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được những thương hiệu quốc gia đủ mạnh về sản phẩm, ngành hàng ngang tầm quốc tế để có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Một trong những hạn chế lớn của DN hiện nay là năng lực cạnh tranh, tham gia thị trường, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.  
Tại hội thảo về kinh tế tư nhân do Bộ KH-ĐT tổ chức mới đây, người đứng đầu bộ này đã thể hiện sự trăn trở và cho biết đang rất sốt ruột khi “gót chân Achilles” của DN Việt vẫn chưa được khắc phục.
“Có một thực tế, các DN rất khó làm ăn với nhau. Ai cũng dè chừng nhau, đây là điều rất lạ. Các DN của ta như những “củ khoai tây rời rạc”. Làm thế nào để DNTN, đặc biệt là DNNVV có thể lớn lên để tham gia chuỗi giá trị? Đây là vấn đề khó cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị để có thể kết dính với nhau” - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự thiếu liên kết chính là rào cản khiến DN Việt Nam gặp khó khăn ở cả 2 phương diện: tham gia chuỗi giá trị của khối DN FDI và tạo dựng chuỗi giá trị của mình.
Ở phương diện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khi các DN FDI lớn vào Việt Nam đầu tư, thường đã có sẵn chuỗi cung ứng đi theo hoặc tự phát triển chuỗi khép kín, nên cơ hội tham gia của DN Việt sẽ khó khăn. Ở phương diện tự tạo dựng các chuỗi giá trị, về cơ bản quy mô của DN Việt còn nhỏ bé, hạn chế trong trình độ công nghệ quản lý và chất lượng nhân lực.
Các DN hầu như không có khả năng tích tụ vốn để đầu tư, nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khắt khe, thiếu tính liên kết với nhau. Điều này khiến DN Việt khó xây dựng các chuỗi giá trị riêng cho mình.
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết DN Việt Nam nói chung và DNTN nói riêng chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm”, chỉ quan tâm đến thương hiệu riêng, sản phẩm riêng của mình, không thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu cho ngành hàng.
Hơn nữa, điều không thể phủ nhận là các hiệp hội do nguồn lực có hạn, chưa phát huy hết vai trò và năng lực trong quản lý, định hướng, nhất là hiệp hội ở các địa phương còn yếu kém, chưa tạo dựng được sức mạnh đại diện cho tập thể đủ lực để cạnh tranh.
Những hạn chế này là những lý do khiến DN Việt yếu thế, không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa nói đến thị trường thế giới. Những DN lớn mạnh có thể tự lo cho mình, còn hầu hết DNNVV đều hoạt động manh mún, thiếu đoàn kết và có lúc cạnh tranh không lành mạnh.
Cần “văn hóa teamwork” 
Hầu hết DN chỉ tập trung cho lợi ích riêng lẻ, kiểu “mạnh ai người ấy làm”. Đây là gót chân Achilles - điểm yếu cố hữu - khiến DN Việt không thể cạnh tranh với các tập đoàn, công ty nước ngoài ngay chính trên sân nhà, chưa nói đến thị trường thế giới.
Nhận định về tính liên kết giữa các DNTN Việt trong việc xây dựng chuỗi giá trị và tạo lập thương hiệu, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng sự hợp tác giữa các DN Việt còn thiếu và yếu.
Các DN chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hiện chỉ có khoảng 21% DNNVV tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số DN FDI đầu tư tại Việt Nam rất nhiều. 
Ở góc độ DN, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hiệp hội các DN Việt Nam, nhận xét để đi xa hơn các DN phải làm quen và xây dựng cho mình “văn hóa teamwork - văn hóa liên kết”.
“Nếu đi thuyền thúng 100% không hội nhập nổi, phải thay thuyền thúng bằng thuyền cao tốc nhỏ. Nếu không đủ vốn, 3-4 thuyền thúng phải chập lại để thành thuyền cao tốc. Sức mạnh của thế giới trong thế kỷ tới là sức mạnh của teamwork. Các DN trước hết phải nhận thức được vấn đề này.
Nếu chỉ 1 DN “thuyền thúng” tích góp được để mua thuyền cao tốc sẽ rất lâu và lúc đó đã tụt hậu rồi. Chính vì thế phải liên kết lại để có những con thuyền cao tốc kịp thời vươn khơi. Cần tăng cường liên kết, hỗ trợ, hợp tác giữa các DN trong nước, cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn chụp giật, thiếu liên kết chuỗi” - ông Đoàn phân tích.
Thực tế, để xây dựng “văn hóa teamwork” cho DN, bên cạnh sự tự thân của DN, đòi hỏi cần có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Ở khía cạnh này, có lẽ sự thành công của các DN Nhật Bản sẽ là gợi ý hữu ích cho DN Việt Nam hiện nay.
Năm 2018, Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới về thương hiệu quốc gia theo kết quả điều tra chỉ số thương hiệu quốc gia của Anholt. Nhưng để có được kết quả đó, Nhật Bản đã có chiến lược phát triển bài bản với những chính sách cụ thể. Tháng 3-2009, Ủy ban Điều tra chuyên môn về công nghiệp nội dung và thương hiệu Nhật Bản đã công bố “Chiến lược thương hiệu Nhật Bản”.
Chiến lược nhằm kêu gọi các DN trong lĩnh vực công nghiệp hợp tác để phát huy được điểm mạnh, cùng nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm trong trung và dài hạn. Tiếp đó, năm 2012, chính quyền Thủ tướng Sinzo Abe tiếp tục đẩy mạnh hiện thực hóa các chiến lược “xây dựng thương hiệu quốc gia” đã đề ra trước đó bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Kết quả, chỉ 4 năm sau thị trường công nghiệp Nhật Bản liên tục được mở rộng và đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê của Bộ Nội vụ Nhật Bản, năm 2016 tổng giá trị kim ngạch của thị trường công nghiệp ở Nhật Bản đạt tới 11.690 tỷ yên. 
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong tiến trình liên kết các DN để cùng xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu quốc đáng là tham chiếu cần thiết cho DN Việt hiện nay.

Các tin khác