(ĐTTCO)-Nhiều doanh nghiệp lo lắng việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị trì hoãn liệu có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, khi mà trước đây, có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ nhận nhiều thuận lợi khi tham gia TPP, đặc biệt trong xuất khẩu dệt may?
Điều đó có làm ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hay không, chúng ta phải chuẩn bị gì cho hội nhập... là những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Câu trả lời của các chuyên gia là sự tác động từ TPP không lớn nếu doanh nghiệp biết tạo sức mạnh nội tại. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, thế nhưng, đấy chỉ là yếu tố bên ngoài, cái chính là sự nỗ lực nội tại bên trong của doanh nghiệp.
Ngay trong Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung xác định rõ nội hàm đổi mới mô hình tăng trưởng và có thể khẳng định rằng, đã đến lúc cần có tư duy đột phá mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế. Không ai khác, chính các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, tập trung tìm kiếm mô hình phát triển mới, có tầm nhìn dài hạn.
Với đặc thù có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy, cách quản lý cũ theo kiểu gia đình không còn phù hợp khi đất nước mở cửa hội nhập. Bởi hầu hết các doanh nghiệp muốn đầu tư kinh doanh, vay vốn ngân hàng đều “dính” do báo cáo tài chính, xây dựng dự án kinh doanh không đạt yêu cầu. Do vậy, đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi cơ chế quản lý hiện đại hơn.
Ngoài ra, một vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, đó chính là thiếu yếu tố “vì cộng đồng”. Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam khảo sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp trong nước để hợp tác gia công, ký kết hợp đồng thương mại đều cho rằng, họ sẽ từ chối hợp tác với những doanh nghiệp không chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo điều kiện môi trường hoặc không chú ý đến an sinh xã hội…
Đã có nhiều doanh nghiệp trong nước vì không nộp bảo hiểm cho nhân viên, không trang bị an toàn lao động cho người lao động nên bị đối tác nước ngoài từ chối hợp tác. Thậm chí, có doanh nghiệp nước ngoài cử hẳn đoàn kiểm soát đến tận xưởng sản xuất phía đối tác ở Việt Nam để hỏi từng nhân viên xem có ký hợp đồng, được nộp bảo hiểm không. Những việc này, lâu nay doanh nghiệp trong nước ít chú ý, cho đến khi bị “huốt” đối với hợp đồng lớn mới vỡ lẽ.
Tuy nhiên, ngoài yêu cầu thay đổi tư duy, quy trình sản xuất, chú ý đến phúc lợi xã hội thì một yếu tố cực kỳ quan trọng cho doanh nghiệp nhỏ bước ra biển lớn, đó là sự hợp sức, liên kết trong sản xuất kinh doanh. Đây là cách để nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. Không chỉ trong sản xuất công nghiệp mà ngay trong sản xuất nông nghiệp cũng rất cần những “cánh đồng lớn” sản xuất theo quy chuẩn.
Chuyển từ quản lý sang phục vụ…
Đứng ở góc độ nhà nước, người cầm lái hướng con tàu kinh tế ra biển lớn, đòi hỏi trước tiên là phải thay đổi chính sách phù hợp. Cụ thể, trước yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, cần thiết phải chuyển từ nền hành chính quản lý truyền thống sang nền hành chính tạo lập môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Cụ thể là phải chuyển từ tư duy quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Xem doanh nghiệp như là khách hàng, mà cán bộ Nhà nước là người phục vụ, cung cấp dịch vụ, tạo điều kiện tốt nhất, tạo sự hài lòng nhất để doanh nghiệp phát huy hiệu quả nhất trong kinh doanh. Theo các chuyên gia, để làm được điều đó, Nhà nước cần đi trước một bước trong cải cách thể chế, chính sách và quy định.
Cụ thể và trước tiên là phải hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế, liên quan đến sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ, minh bạch, rõ ràng. Phải hiểu rằng, những thay đổi về chính sách, các quy định không ổn định của Việt Nam là điều rủi ro mà các doanh nghiệp lo lắng nhất.
Do vậy, cần phải cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, để minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì cần gấp rút cải cách hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính rờm rà, khó hiểu; công khai hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin, trách nhiệm của từng cán bộ.
Chính phủ điện tử đã có, nay cần tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với công chức, nhằm hạn chế được nhũng nhiễu. Và quan trọng nhất vẫn là thái độ cán bộ công chức và trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh việc xử lý những cán bộ thiếu năng lực, kém đạo đức, có tư duy gây khó dễ cho doanh nghiệp để trục lợi thì cũng cần quy trách nhiệm người đứng đầu nếu không kiểm soát tốt, không ứng dụng quy trình quản lý hiện đại, công khai, minh bạch, để cán bộ cấp dưới làm sai.