Đáng nói hơn, số vốn đăng ký của DN thành lập mới tiếp tục có xu hướng giảm (giảm 19,8% so với cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mức bình quân 806.204 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm giai đoạn 2018-2022).
Tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới chỉ đạt mức 707.457 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 75-80% so với các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 6 tháng cũng như vốn đăng ký tăng thêm của DN đang hoạt động cũng giảm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đầu tư tư nhân đã có ít nhiều tín hiệu tích cực, nhưng chưa có chuyển biến mạnh. Các động lực tăng trưởng, như xuất khẩu, tiêu dùng… có dấu hiệu chững lại. “Triệu chứng” rõ nhất cho thấy “sức khỏe” của DN chưa khả quan là tính đến giữa tháng 6, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3,5% - mức tăng rất thấp so với nhiều năm và chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 (khoảng 14-15%). “Không khỏe thì không hấp thụ được vốn”, TS Võ Trí Thành nhận xét ngắn gọn.
Trong số nhiều “liều thuốc” có thể kê cho DN, liều thuốc thứ nhất đã được dùng. Lãi suất điều hành đã liên tục giảm, nhưng từ khi giảm lãi suất điều hành đến giảm lãi suất trên thị trường, lãi suất huy động, lãi suất cho vay… cần có thời gian mới “ngấm”. Bên cạnh đó, DN vẫn thiếu đơn hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn khó khăn, bất định thì việc có thể chủ động làm, không gì khác hơn là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, khai thác tối đa các hiệp định thương mại tự do…
Chung tay với DN, Quốc hội đã quyết định tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, góp phần kích cầu tiêu dùng. Chính sách mới về visa, về mua và sở hữu nhà ở cũng sẽ kích cầu du lịch quốc tế, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Cũng không thể không kể đến việc dự kiến sẽ thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM từ ngày 1-8 tới đây sẽ tạo thêm xung lực cho đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng là nơi tập trung cộng đồng DN đông đảo, năng động nhất. Chính vì thế mà một số dự báo từ các tổ chức nghiên cứu uy tín cho rằng, tăng trưởng quý III của TPHCM sẽ khá hơn và tới quý IV thì TPHCM có thể sẽ nằm trong nhóm cao về tăng trưởng của cả nước.
Khảo sát sâu của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành kinh tế trụ cột của tăng trưởng - kết quả quý 2 cho thấy, có 27,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I, 36,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định, 35,8% số DN đánh giá gặp khó khăn.
Tuy vẫn rất thận trọng, nhưng đây là con số tích cực hơn so với quý trước. Với câu hỏi về dự kiến quý III, có 34,3% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II, 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số DN dự báo khó khăn hơn. Các đánh giá, dự báo này đã tốt hơn so với quý II.
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 4-7, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm. Nền kinh tế nói chung và DN nói riêng đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; nhiều chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa... đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia đã khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2023. Với nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng DN, hy vọng xu hướng “tốt dần lên” sẽ trở thành hiện thực.