Ngày 28/10, tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Thành viên mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn lần thứ III.
Cao nguyên Đá Đồng Văn - Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO
Ngày 3/10/2010, Cao nguyên Đá Đồng Văn (Hà Giang) trở thành Công viên Địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.
Năm 2014 và năm 2019, UNESCO đã tái công nhận Cao nguyên Đá Đồng Văn là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO giai đoạn 2015-2018 và giai đoạn 2019-2022.
Cách Hà Nội khoảng 300km, Cao nguyên Đá Đồng Văn từ lâu đã là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách mỗi khi có dịp ghé thăm Hà Giang. Cao nguyên Đá Đồng Văn với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng tựa như một “thiên đường xám” giữa miền sơn cước địa đầu Tổ quốc thân yêu.
Nằm ở độ cao trung bình từ 1.000-1.600m so với mực nước biển, Cao nguyên Đá Đồng Văn trải rộng qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu GGN của UNESCO, Cao nguyên Đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Công viên Địa chất này gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng diện tích tự nhiên là 2.356km2, nằm ở miền Bắc Việt Nam có trên 70% diện tích đá vôi lộ diện.
Vùng đất này là sự kết hợp ngoạn mục và độc đáo giữa những đỉnh núi cao vun vút và hẻm vực sâu thăm thẳm tại phần kéo dài của dãy núi phía Đông rặng Himalaya, với đỉnh cao nhất - Mạc Vạc (1.971m) và hẻm sâu nhất - Tu Sản, cũng là hẻm vực sâu nhất của Đông Nam Á, với chiều sâu vách đá lên tới hơn 700m.
Có niên đại từ kỷ Cambrian (khoảng 550 triệu năm trước), đến nay, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trải qua 7 thời kỳ địa chất khác nhau. Du khách đến đây, có thể nhìn tận mắt những dấu vết còn lưu lại trong các di chỉ cổ sinh vật học, địa tầng, địa mạo, kiến tạo, karst, hang động và đứt gãy quan trọng.
Không chỉ đa dạng về cổ sinh vật, Cao nguyên Đá Đồng Văn còn có hai khu bảo tồn thiên nhiên là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Du Già và Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Khau Ca. Hai khu bảo tồn này phong phú về các loài động, thực vật như cây lá kim, sơn dương phương Nam (một loài dê núi đơn độc) và nhiều loài chim bản địa.
Do đó, nơi này có hệ động thực vật rất phong phú, bao gồm 289 loài thực vật bậc cao, thuộc 83 họ; hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ. Có 27 loài gồm 17 loài thú, 2 loài chim và 8 loài bò sát là những động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Nổi tiếng nhất nơi này là loài voọc mũi hếch. Voọc mũi hếch, còn được gọi là voọc lông tuyết (Rhinopithecus avunculus) thuộc họ Khỉ Cựu, là một trong năm loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Loài vật này còn được phát hiện ở vùng núi châu Á, phía Nam Trung Quốc, thường sống ở những khu vực núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt.
Đây là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, được xếp vào mức độ nguy cấp cao nhất trong Sách đỏ về các loài động vật bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và Việt Nam. Loài voọc mũi hếch đã từng được coi cho là đã tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại vào đầu những năm 1990, chỉ được tìm thấy ở tỉnh Hà Giang với 200 cá thể.
Vùng đất đa dạng sắc màu văn hóa
Cao nguyên Đá Đồng Văn là nơi sinh sống của hơn 250.000 người dân thuộc 17 dân tộc anh em Mông, Na Chí, Pu Péo, Lô Lô, Nùng, Hoa, Giấy… của dải đất Việt. Mỗi dân tộc có một nét sinh hoạt và tập tục lễ hội riêng tạo nên di sản văn hóa độc đáo và phong phú của khu vực này với những “Chợ tình Khau Vai,” Lễ hội “Gầu Tào” của người Mông, Lễ hội “Cúng thần rừng” của người Pu Péo, Lễ ấp sắc của người Dao...
Những bức tường núi đá ở Hà Giang. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Kể từ khi Cao nguyên Đá Đồng Văn được trao danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, lượng khách du lịch đến đây liên tục tăng, người dân cũng được hưởng lợi hơn nhờ du lịch. Đến nay 100% thôn bản, trường học trên vùng Cao nguyên Đá Đồng Văn được tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ, giữ gìn di sản.
Đến vùng đất này, là đến thăm vùng đất địa đầu Tổ Quốc với cột cờ Lũng Cú đánh dấu điểm cực Bắc của đất nước, cùng nhau vượt qua đèo Mã Pí Lèng, cung đường đèo hiểm trở dài 20km, cao 1.200m, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, ngắm nhìn những cô gái Mông ngồi dệt bên khung cửi, những nếp nhà trình tường đơn sơ, giản dị, những bờ rào đá bền bỉ, vững vàng…
Đến với Đồng Văn, đến với vùng đất “cúi mặt sát Đất, ngẩng mặt đụng Trời” này, du khách không chỉ có được những trải nghiệm vô cùng phong phú. Đến nơi đây là bạn sẽ góp phần vào công cuộc phát triển du lịch, đem lại cho người dân và Công viên Địa chất Toàn cầu nơi đây một sinh kế phát triển kinh tế bền vững, chú trọng tới việc nâng cao đời sống cho người dân, bằng cách khai thác văn hóa bản địa, trong sự hòa hợp với thiên nhiên.
Lan tỏa và phát huy giá trị vùng đất Cao nguyên Đá
Việc tổ chức Đón nhận Bằng công nhận tái thẩm định tư cách Thành viên mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn lần thứ III và Lễ hội “Hoa Tam giác mạch” lần thứ IX năm 2023, nhằm tôn vinh giá trị di sản đặc sắc, những hình ảnh đẹp về con người, lan tỏa vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng Cao nguyên Đá; bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như sản phẩm du lịch của tỉnh Hà Giang.
Đây là hoạt động văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn để giới thiệu, quảng bá các thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm đặc trưng như Trà Shan tuyết, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, cảnh quan thiên nhiên và các chính sách hỗ trợ du lịch của tỉnh... thu hút đông đảo du khách đến với Hà Giang để trải nghiệm và khám phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nhà của người dân ở Cao nguyên Đá Đồng Văn. (Ảnh: TTXVN/phát)