Chi phí logistics cho nông sản Việt Nam quá cao, lên tới 25% tổng giá trị hàng hóa ở một số mặt hàng, thậm chí còn cao hơn rất nhiều (ở các công đoạn sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản và liên quan), là nguyên nhân chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại các thị trường tiềm năng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Cắt giảm chi phí logistics - Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt," do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và các hiệp hội ngành hàng khác tổ chức ngày 9/7.
Chi phí logistics chiếm quá cao
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những hiệp định song phương, đa phương đã và đang góp phần mang nhiều cơ hội mới cho hàng hóa Việt Nam tham gia các thị trường lớn, đặc biệt là lĩnh vực nông sản.
Bên cạnh những ưu thế về tài nguyên và đa dạng trong sản xuất, chế biến, nông sản Việt Nam có những hạn chế như quy mô sản xuất, chất lượng và số lượng là những nguyên nhân thường thấy khiến nông sản khó chinh phục các thị trường lớn. Tuy nhiên, vấn đề nan giải cũng không kém là hạ tầng và dịch vụ logistics cho nông sản Việt Nam. Vấn đề này đã được bàn tính nhiều lần nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp tối ưu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Trương Gia Bình, nền kinh tế Việt Nam thông thường mạnh ai người ấy làm, chưa thực sự phát triển. Để giải quyết những vấn đề trên, cần phải sử dụng tính kết nối. Kết nối không chỉ giữa các doanh nghiệp mà kết nối hiệp hội với hiệp hội, hiệp hội với Nhà nước, Nhà nước với doanh nghiệp; kết nối đa phương tiện, cả đường bộ, hàng không, đường sắt, đường biển.
Ông Trương Gia Bình cho rằng đại dịch COVID-19 đẩy chúng ta sang một thế giới mới, là thế giới dựa vào dữ liệu, công nghệ, hay nói cách khác là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và ai cũng phải đi vào thế giới mới đó, vấn đề là ai đi vào trước, ai khai thác được lợi thế công nghệ, ai mất cơ hội.
Ở các nước, công nghệ thông tin thường kém phát triển hơn các ngành công nghiệp khác. Ở Việt Nam, lực lượng công nghệ thông tin là gần 1 triệu người, trong khi một đất nước phát triển như Nhật Bản, con số này là 1,3 triệu. Thực tiễn, lực lượng công nghệ thông tin của Việt Nam đã giải quyết bài toán logistics cho các quốc gia hiện đại trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Mỹ.
“Tại sao chúng ta không làm cho đất nước mình, tại sao chúng ta không giải quyết những vấn đề bức xúc trong đất nước mình," Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đặt câu hỏi.
Theo ông, logistics là chủ đề đã được nói tại nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp, được Chính phủ quan tâm, nhưng chi phí logistics của Việt Nam vẫn quá cao. Từ đề dẫn trên, ông mong muốn các đại biểu cùng chung tay tìm giải pháp tháo gỡ để kéo giảm chi phí này xuống mức thấp nhất có thể.
Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh đưa ra con số đáng lưu ý: chi phí logistics của Việt Nam vào năm 2017 là 16,8% GDP. Các yếu tố làm tăng chi phí logistics bao gồm: chi phí vận chuyển cao, các phụ phí và phí địa phương cao do các hãng vận chuyển nước ngoài áp vào cho chủ hàng, hạn chế về cảng và cơ sở hạ tầng, các tỉnh thành đưa ra các phí hạ tầng mới, chi phí về kiểm tra chuyên ngành.
Lấy ví dụ từ chuỗi cung ứng rau, củ, quả, ông Nguyễn Duy Minh dẫn số liệu từ một nghiên cứu cho thấy chi phí logistics trong chuỗi này chiếm tới 20,9%, trong đó, 61% liên quan đến vận tải, 20% liên quan đến xếp dỡ, 14% lưu trữ, 5% bao bì.
Cụ thể hơn, ông Võ Quan Huy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An, cho biết năm 2019, công ty xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch COVID-19.
Cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú, chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 16 triệu đồng, nhưng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau 10 triệu đồng, ra Hà Nội mất 80 triệu đồng.
Tương tự, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng. Trong khi đó, Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc, xa tới hàng ngàn cây số, nhưng chi phí chưa bằng một nửa. Đây là điều vô cùng nghịch lý.
Ông cho rằng có quá nhiều trạm thu phí đường bộ đã đẩy chi phí vận tải lên cao. Trong khi đó, hệ thống đường biển, đường sông của nước ta rất thuận lợi nhưng không phát huy tác dụng do không có cảng nội địa. Vận chuyển đường sông chi phí chỉ bằng 1/10 so với đường bộ. Ông đề nghị cơ quan chức năng cần tính đến vấn đề quy hoạch đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Đặt vấn đề về vai trò của Nhà nước trong quy hoạch các trung tâm logistics vùng, Tổng Thư ký VLA Nguyễn Duy Minh cho rằng quy hoạch này rất quan trọng, các nhà kho cung cấp dịch vụ chuyên dùng phải nằm trong vùng trung tâm logistics để thuận lợi hóa trong công tác phục vụ sản xuất.
Cùng với đó là vai trò của công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển, nền tảng kết nối vận tải để các công ty vận tải có thể nhìn thấy nhau, tận dụng chuyến vận tải rỗng và nền tảng số cho cả chuỗi cung ứng nông nghiệp này để các chủ hàng, những nhà sản xuất, công ty dịch vụ logistics, kiểm dịch, các hãng tàu, nhà nhập khẩu đều có thể theo dõi được luồng hàng hóa của mình.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cũng cho rằng cần có quy hoạch logistics theo từng vùng, từng loại hình để thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, hình thành các trung tâm vận chuyển logistics hiện đại.