Gian nan “vượt bão”
Ông Đoàn Chí Thanh, Giám đốc Công ty BĐS HASG, cho biết nếu chiều hướng chống dịch tốt như hiện nay, có thể đến cuối tháng 5 các DN mới thực sự bắt nhịp trở lại. Hiện các DN mới bắt đầu trở lại sau thời gian giãn cách nên mọi việc chưa thể hoạt động tốt như trước đó được. HASG đang có 2 dự án chuẩn bị đưa ra thị trường nhưng cần có thời gian ổn định trở lại mới thực hiện được. Trong khi đó đại diện Tập đoàn H.T cho biết, trong thời gian cao điểm của dịch một số anh em kinh doanh phải đi tìm việc khác hoặc về quê chờ thời. Nay muốn trở lại hoạt động bình thường cần phải có thời gian.
Quản lý một sàn giao dịch BĐS cho biết trong tình hình hiện nay DN rất khó tuyển nhân viên cơ hữu cho bộ phận kinh doanh. Lương cứng cho mỗi nhân viên kinh doanh dao động 5-10 triệu đồng/tháng với nhiều điều kiện kèm theo, nhất là doanh số bàn hàng. Tuy nhiên khó khăn cho các sàn là hiện không có sản phẩm hoặc sản phẩm “không thơm”, nên việc tuyển nhân viên cơ hữu phải cân nhắc. Vì vậy phần lớn sàn hiện nay sử dụng chính sách cộng tác viên, không phải trả lương chỉ hưởng phần trăm hoa hồng khi sản phẩm được giao dịch thành công.
Cái “bắt tay” của Novaland và TTC nhằm tăng cường sức mạnh trong bối cảnh thị trường gặp nhiều biến động.
“Tuyển cơ hữu hay sử dụng cộng tác viên để bán hàng đều là bài toán khó cho các sàn. Chúng tôi chỉ chủ động khi thị trường phục hồi hoàn toàn, nguồn cung sản phẩm ổn định” - giám đốc một sàn chia sẻ. Đại diện Tập đoàn Novaland cũng cho biết đang từng bước ổn định hoạt động đầu tư kinh doanh sau khi dịch Covid-19 được kiềm chế.
Theo Bộ KH-ĐT, năm 2019 cả nước có 598 DN BĐS đăng ký tạm dừng hoạt động (tăng 36,8%), 686 DN giải thể (tăng 39,4% so với 2018)… Với riêng TPHCM, trong năm 2018 và 2019 tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh BĐS luôn thấp hơn tăng trưởng chung của toàn TP, tỷ trọng của ngành kinh doanh BĐS trong tổng sản phẩm GRDP của TP có chiều hướng giảm sút (từ 7,3% xuống 4,1%). Điều này kéo theo tăng trưởng ngành xây dựng thấp, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà giảm.
Cơ hội sàng lọc?
Cơ hội sàng lọc?
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA cho rằng, giai đoạn sau dịch cũng là thời gian thử thách sự yêu nghề và tính chuyên nghiệp của người hoạt động trong lĩnh vực môi giới. Những ai vượt qua thử thách này sẽ trở thành môi giới có bản lĩnh và trách nhiệm với nghề nghiệp. Đối với môi giới (bao gồm cả cá nhân và tổ chức), thời điểm này là cơ hội lớn 10 năm có một lần để vượt ngưỡng.
Sự trải nghiệm khó khăn sẽ giúp trưởng thành và dần thấm thía hơn những giá trị lao động chân chính, từ đó thật sự hiểu và yêu nghề. “Ai trải qua giai đoạn này sẽ có thêm năng lượng đặc biệt để lăn lộn và tận dụng cơ hội cho những giai đoạn sau. Đã làm môi giới hãy là nhà môi giới chuyên nghiệp. Dù hiện nay có nhiều khó khăn và thách thức, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội lớn cho nhà môi giới chuyên nghiệp, uy tín” - ông Lâm khẳng định.
Thực tế cho thấy, hàng loạt sàn môi giới yếu đã phải đóng cửa, hàng ngàn nhân viên môi giới phải bỏ nghề. Một trong những cơ hội và triển vọng của thị trường BĐS sau dịch, là thời cơ bùng nổ các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này. Đại dịch mở ra cuộc cạnh tranh mới về việc thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường. Cuộc cạnh tranh này dự đoán gay gắt, khốc liệt và không dành cho tất cả. Sự tham gia đa dạng từ các chủ đầu tư lớn cho tới các startup sẽ làm cho bức tranh cực kỳ sôi động trong năm 2020-2021.
Theo ông Phạm Lâm, hiện tại, công nghệ hóa BĐS là xu hướng tất yếu và giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là tối ưu hóa việc truyền tải và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện. Điều này là cơ hội rất lớn cả DN và người mua BĐS.
Thực tế, trong thời gian dịch bệnh các ứng dụng công nghệ BĐS có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển do là phương án an toàn và hợp lý nhất tại thời điểm này. Khách hàng có thể tìm kiếm thông tin thông qua ứng dụng, thay vì trực tiếp tham quan nhà mẫu hay dự án. Đây cũng là cơ hội cho các ứng dụng tích hợp nhiều tính năng tiếp cận gần hơn với khách hàng. Có thể xem đây là đòn bẩy thúc đẩy công nghệ hóa BĐS phát triển.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng tại Việt Nam 80-90% xương sống của nền kinh tế đến từ lực lượng DNNVV. Đây là nguồn lực chính đóng góp cho ngân sách nhà nước, nên các DN này cần được hưởng sự hỗ trợ lớn và thiết thực từ Chính phủ về cơ chế, định hướng, chiến lược ngành nghề. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nên quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, nhóm DN đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển chung của thế giới. Thời gian này cũng là phép thử đánh giá thực chất về năng lực quản trị tài chính, quản trị khủng hoảng để giúp cân đối tiềm lực của bản thân DN.
Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay nhiều DN BĐS sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, do vậy khi thị trường gặp các biến cố lớn, họ sẽ chịu những tổn thất về tài chính. Các DN có thể cân nhắc tới việc cắt lỗ khi không có đủ năng lực tài chính, nhằm tránh hoặc giảm thiểu các nguy cơ về phá sản. Có thể trong thời gian tới thị trường sẽ “setup” lại trật tự mới, nhiều thương hiệu mới có thể nổi lên và thắng thế, nhiều thương hiệu đình đám có thể bị biến mất, tình trạng tương tự cũng sẽ đến với nhà đầu tư riêng lẻ.