Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ban hành ngày 11/2, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chỉ định thầu xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dũng cảm nói không với “sân trước, sân sau”
Nêu quan điểm về quyết định chỉ định thầu các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đó là sự quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với tinh thần “biến điều không thể thành có thể, biến khó thành dễ” để sớm đưa công trình này vào sử dụng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Theo dõi sát chuyến “xuyên Tết, xuyên Việt” hồi đầu năm của Thủ tướng, TS Vũ Tiến Lộc hoàn toàn đồng tình với một số nội dung Thủ tướng chỉ đạo, trong đó có việc chỉ đạo xử lý các dự án bị chia nhỏ lẻ các gói thầu tại cuộc họp chiều tối mùng 5 Tết ở thành phố Vinh (Nghệ An), việc này có nguy cơ làm chậm tiến độ chung của dự án. Do đó, cần cần xét kỹ kinh nghiệm thi công, tránh trường hợp hồ sơ đẹp, năng lực yếu.
“Nên dành những gói thầu đủ lớn có quy mô thích hợp ưu tiên ngay cho các nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu đã có kinh nghiệm, có tiềm năng vượt trội về quản trị và công nghệ đã được chứng minh qua thực tiễn đã hoàn thành các dự án cao tốc mang tính tương tự trong thời gian qua, theo cách cha ông thường nói “chọn mặt gửi vàng” một cách công tâm vì lợi ích chung. Như vậy, chúng ta mới có thể tạo ra được tốc độ “thần tốc” trong việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam nói riêng và các dự án phát triển kinh tế xã hội nói chung trong nhiệm kỳ, góp phần tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tới theo Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội”, ông Lộc cho hay.
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, chỉ định thầu được áp dụng đối với những dự án quan trọng do tính chất đặc biệt, hoặc do yêu cầu cấp bách về mặt thời gian. Vì vậy, việc Chính phủ quyết định chỉ định thầu để thi công các dự án thành phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là “quyết định hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật” và yêu cầu thực tiễn cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để phục vụ yêu cầu phục hồi nền kinh tế trong ngắn hạn và phát triển nền kinh tế dài hạn.
Ông Lộc nhận định, về chất lượng công trình qua phương thức chỉ định thầu và phương thức đấu thầu về cơ bản là tương đồng. Về hiệu quả kinh tế, thực tế đấu thầu trong những năm qua đối với các dự án giao thông, thì mức giá bỏ thầu của các của các nhà thầu thường chỉ giao động ở mức vài %, ngoại trừ trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp là nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu như Tập đoàn Đèo cả đã tiết giảm gần 1.000 tỷ đồng tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Ông Lộc đề xuất, khi xây dựng phương án mời thầu cần kiểm soát ngay chi phí đầu vào, quá trình chỉ định thầu phải bảo đảm sự công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các bên liên quan là các doanh nghiệp, là nhà thầu thi công. Vai trò của chủ đầu tư (Bộ GTVT) rất quan trọng để chúng ta chọn được nhà thầu phù hợp.
“Tôi cho rằng chủ đầu tư và những người tham gia vào quyết định chọn thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với chất lượng và tiến độ của dự án cùng với nhà thầu theo tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Nên trích một phần trong số 5% kinh phí tiếp kiệm được để có thể lập quỹ thưởng cho các nhà thầu có thể rút ngắn được thời gian thi công theo hợp đồng mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu. Đúng như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, thưởng phạt công tâm”, TS. Vũ Tiến Lộc đề xuất.
Công khai thông tin nhà thầu, tăng cường giám sát sau chỉ định
Cùng quan điểm, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, chỉ định thầu còn là giải pháp loại bỏ hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, giúp cơ hội trúng thầu của các nhà đầu tư lớn rộng mở hơn.
“Chính phủ quy định mức tiết kiệm bắt buộc 5% đối với tất cả các nhà thầu là mức cao, nhưng là cơ sở để tạo áp lực cho các nhà thầu bao gồm cả tư vấn nâng cao năng lực thiết kế, thi công và quản trị dự án mang lại hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất là quy trình chỉ định thầu sẽ giúp rút ngắn được thời gian chọn thầu và có thể rút ngắn được thời gian triển khai thi công và đưa công trình vào sử dụng sớm, như vậy, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội”, ông Thắng phân tích.
Theo ông Trần Chủng -Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), để loại bỏ được cơ chế xin - cho và những tin đồn tiêu cực về hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, cơ quan chỉ định hoặc đề xuất chỉ định cần phải công khai, minh bạch về tiêu chí lựa chọn, kết quả lựa chọn. Hơn nữa, việc chỉ định thầu có thể rút ngắn từ 6 - 8 tháng từ khâu thiết kế đến thi công.
“Nhà thầu nào trúng phải công bố rộng rãi để bên cạnh việc kiểm soát, giám sát của chủ đầu tư, cơ quan quản lý, các “đối thủ” khác trượt thầu cũng có thể giám sát xem nhà thầu được lựa chọn có thực hiện tốt hay không, đảm bảo được tiến độ, chất lượng như đã cam kết hay không.
Ông Chủng cho rằng, công tác quản lý, giám sát sau thầu cũng cần được chú trọng, tránh tình trạng hồ sơ đăng ký ghi rất đẹp, máy móc rất hiện đại, thợ rất cao cấp nhưng ra công trình lại xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội giá, kém chất lượng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cơ chế chỉ định thầu muốn không vấp phải sự hoài nghi của dư luận, ngay từ quá trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, các Bộ, ngành phụ trách cần công khai rộng rãi trên không gian mạng danh sách những đơn vị được đề xuất lựa chọn và cả kết quả lựa chọn để các doanh nghiệp trong ngành và toàn dân giám sát năng lực, hiệu quả của việc chỉ định thầu, giảm thiểu tối đa việc xin - cho.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, quy trình chỉ định thầu sẽ giúp rút ngắn được thời gian chọn thầu và có thể rút ngắn được thời gian triển khai thi công và đưa công trình vào sử dụng sớm, như vậy, sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho xã hội.
Đây cũng là một giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng tốc trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo để đất nước ta có được ta có được 5.000 km đường cao tốc trước năm 2030.
Tuy nhiên, công tác quản lý thực hiện sau chỉ định thầu sẽ nhiều thủ tục hơn, đòi hỏi đơn vị quản lý, tư vấn giám sát. Vì chỉ định thầu làm theo hướng “thực thanh, thực chi”, làm gì thanh toán đấy. Hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, biện pháp thi công phải thay đổi, giá thực hiện cao hơn mức giá chủ đầu tư tính toán thì ban điều hành, đơn vị giám sát dự án cũng phải theo dõi chặt chẽ để đảm bảo hiệu quả trong phương án tài chính.