Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019: Dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn

(ĐTTCO) - Ngày 5-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019. 

Báo cáo được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam. 

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019: Dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn ảnh 1TPHCM là địa phương nằm trong nhóm xếp hạng PCI 2019 cao (ảnh doanh nghiệp khai thuế tại Cục Thuế TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Ngày càng tốt hơn

Tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2019 năm thứ ba liên tiếp là Quảng Ninh (73,4 điểm), kế đến là Đồng Tháp (72,1 điểm), Vĩnh Long (71,3 điểm) và Bắc Ninh (70,79 điểm). Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bao gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng. Các địa phương nằm trong nhóm xếp hạng cao còn có: Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, TPHCM, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhìn chung, điều tra PCI năm 2019 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế các địa phương đã giữ vững được xu hướng cải thiện theo thời gian. Một số chuyển biến rõ nét bao gồm mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp đã có những cải thiện rõ rệt, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm, cải cách hành chính có kết quả tích cực… 

Phát biểu tại lễ công bố, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định: “15 năm qua PCI bền bỉ chuyển tải thông điệp về việc cần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa”.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay, xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy “dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn”. 

Cùng quan điểm, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ: “Năm 2020 đánh dấu 15 năm thực hiện PCI và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong 15 năm qua, chỉ số PCI có vai trò quan trọng thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong công tác điều hành kinh tế cấp tỉnh và tạo thuận lợi cho sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”.

 Không gian cải thiện vẫn còn rất lớn

Dù vậy, các chuyên gia nhìn nhận rằng, không gian cải thiện vẫn còn rất lớn với chính quyền các địa phương. Có thể kể đến là việc tăng cường minh bạch thông tin đấu thầu, mua sắm công, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng, thủ tục liên quan tới quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quyết định chủ trương đầu tư…

Đáng lưu ý, PCI 2019 đã phản ánh 5 khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp dân doanh đang gặp phải, bao gồm: tìm kiếm khách hàng (63%), tiếp cận vốn (35%), tìm kiếm nhân sự thích hợp (34%), tìm kiếm đối tác kinh doanh (28%) và biến động thị trường (27%). Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, mặc dù tiếp tục đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam, song các doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan tới giai đoạn hoạt động sau đăng ký, thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm xã hội, thuế... Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Việt Nam có chiến lược và chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng.

Báo cáo PCI 2019 dành một phần quan trọng để đánh giá việc áp dụng tự động hóa và số hóa vào trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Theo đó, việc tự động hóa, số hóa tại doanh nghiệp có tác động cả tích cực và tiêu cực tới thị trường lao động. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình tự động hóa và số hóa, Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện kỹ năng lao động và cải thiện quan hệ lao động.

Các tin khác