Chinh phục Đại Bàng Sơn

(ĐTTCO) - Thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) luôn cuốn hút du khách suốt bốn mùa với những thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ. Vài năm trở lại đây, ngoài đỉnh Fansipan (3.143m) đã nổi tiếng, xuất hiện cái tên mới Đại Bàng Sơn chiếm trọn niềm đam mê của dân leo núi.
Thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) luôn cuốn hút du khách suốt bốn mùa với những thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ. Vài năm trở lại đây, ngoài đỉnh Fansipan (3.143m) đã nổi tiếng, xuất hiện cái tên mới Đại Bàng Sơn chiếm trọn niềm đam mê của dân leo núi.
Ngày cuối tuần, chúng tôi cùng nhau chinh phục đỉnh núi đầy mới mẻ này cùng 2 porter (người khuân vác kiêm hướng dẫn viên) người Mông bản địa trẻ trung, am hiểu địa hình.
Vượt vách núi dựng đứng
Sau một đêm nghỉ chân ở khu du lịch Sapa hoa lệ, chúng tôi bắt đầu di chuyển đến bản Tả Giàng Phìn, xã Ngủ Chỉ Sơn, Thị xã Sapa. Đã hẹn từ trước, chúng tôi gặp 2 porter người Mông ở căn nhà gỗ ngay sát chân núi Đại Bàng. Trong đó, Hạng A Chúng là porter chính dẫn đường, ngoài ra còn có một người đi theo để vác hành lý, đồ ăn lên lán nghỉ qua đêm cho cả đoàn.
Khi xuất phát, chúng tôi tò mò vì sao gọi Đại Bàng Sơn, được Hạng A Chúng cho biết, núi này thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nhìn từ trên cao đỉnh núi giống con chim đại bàng đang tung cánh. Người Mông bản địa đi rừng nhiều năm đã phát hiện ra hình dáng kỳ thú ấy nên đặt tên là Đại Bàng Sơn. Ngoài Đại Bàng Sơn, ở đây còn có núi Ngũ Chỉ Sơn đã khá quen thuộc với dân phượt leo núi. 
Từ bản Tả Giàng Phìn đi khoảng 2km chúng tôi bắt gặp một ngã ba với 2 lối mòn lên núi. Hạng A Chúng chỉ tay về phía đường mòn cho biết: “Nếu leo Ngũ Chỉ Sơn thì đi đường nhánh bên kia, còn mình đi Đại Bàng Sơn theo bên này”. Mất khoảng 4 giờ leo chúng tôi đã tới được đích đầu tiên.
Nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, mọi người bắt đầu cảm nhận được về “thiên nhiên, thời tiết núi rừng kỳ thú”. Khi nãy vừa ở dưới bản trời vẫn trong xanh, lên đến đây mây mù đã giăng kín từ bao giờ. Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống khiến ai cũng ngỡ ngàng, chẳng kịp tìm nơi trú. Đến tình cờ và cũng tạnh nhanh là đặc điểm của mưa rừng Tây Bắc.
Rời lán, chúng tôi men theo dấu chân porter bắt đầu hành trình thử thách. Đường rừng ướt át, rêu cỏ mọc khắp lối tăng độ khó cản bước du khách. Đi được đoạn, cả nhóm bắt đầu tiến vào một hẻm núi vô cùng ấn tượng. Vách đá dựng đứng ở 2 bên, ở giữa có một lối đi leo hun hút chỉ rộng hơn 1m.
Chinh phục Đại Bàng Sơn ảnh 1
Đám rêu cỏ xanh rờn bám kín khắp các tảng đá. Mọi người có vẻ hoảng hốt khi thấy cung đường phía trước, Hạng A Chúng trấn an: “Mọi người nghỉ ngơi một lát rồi lấy sức leo qua những đoạn thang gỗ kia để đi không sợ trơn trượt”. Tuy nhiên nhìn những chiếc thang bằng gỗ do người Mông đi rừng và các porter tự chế, nhiều người yếu tim, sợ độ cao có lẽ sẽ bỏ cuộc. Nhiều đoạn thang gỗ nằm sát trên con suối đá cạn, do trời vừa mưa nên vô cùng trơn trượt. Mỗi thành viên trong nhóm phải bám tay chặt vào từng thanh gỗ cong queo, trơn ướt để lên từng bậc một.
Để bù lại cho những vất vả của chuyến đi, thiên nhiên đã ban thưởng cho ai có lòng quả cảm những khung cảnh hùng vĩ của cánh rừng già Đại Bàng Sơn. Qua một đoạn vách đá cheo leo, mọi người được chiêm ngưỡng rừng hoa đỗ quyên đang bung nở đẹp mắt. Hoa đỗ quyên vàng đặc sản của Hoàng Liên Sơn nói chung và Đại Bàng Sơn nói riêng. Hoa nở rộ vào tháng 4-5 dương lịch, đến cuối tháng 5 sẽ lụi tàn hết.
Trên đường, những cây cổ thụ ngàn năm tuổi rêu xanh bám đầy thân gốc, thỉnh thoảng lại có khóm hoa rừng khoe sắc ngay trên thân. Từng khóm đỗ quyên vàng bung nở trong hơi sương của núi, của trời càng minh chứng cho vẻ đẹp kỳ vĩ chỉ có ở Hoàng Liên Sơn. Cảnh sắc khiến mọi người quên phần nào mệt mỏi, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đặt chân tới đỉnh núi.
Những đám mây mù giăng kín đỉnh, trong mây mù chóp inox hiện ra với chỉ số độ cao 2.850m so với mực nước biển. Đứng ở đây vào hôm trong trời, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy đỉnh Ngũ Chỉ Sơn với độ cao tương đương. Đại Bàng Sơn, Ngũ Chỉ Sơn còn là điểm giáp ranh giữa 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Lối về đẹp ngỡ ngàng
Chinh phục thành công đỉnh cao 2.850m, lúc này du khách có 2 lựa chọn. Một là xuống núi ngay theo lối cũ đến tối sẽ về tới bản Tả Giàng Phìn. Hai là buổi chiều lang thang khám phá cảnh quan, đến tối ngủ lại lán trên rừng và sáng hôm sau đi theo cung đường khác xuống xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Và chúng tôi đã chọn cách 2. Một đêm ngủ ở lưng chừng trời cảm giác thật khó tả. 5 giờ 30 sáng, Hạng A Chúng nhắc mọi người chuẩn bị sớm để xuống núi. Cung đường trở về với cái đích là bản Chu Va xã Bình Sơn sẽ kéo dài 9-10 giờ, so với 6 giờ leo lên núi từ bản Tả Giàng Phìn. 
Chinh phục Đại Bàng Sơn ảnh 2
Đúng 7 giờ sáng, mọi người bắt đầu hạ sơn. Chúng tôi lần lượt vượt qua những lùm cây giữa hẻm núi gió lồng lộng. Buổi sáng đầu hè, mà ai cũng cảm thấy se se lạnh. Những đám mây mù vần vũ che đi một khoảng trời, khoảng núi. Đưa mắt về phía xa xa ngoài đám mây, chúng tôi nhìn thấy vạt nắng sớm đã chiếu rọi một góc rừng. Xuống theo sườn núi thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu du khách sẽ dần dần bắt gặp những khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng.
Đó là thảm thực vật vô cùng phong phú với những khóm hoa rừng bung nở bên vách đá chênh vênh. Những thân cây cổ thụ uốn éo tỏa bóng mát xuống con suối trở thành chỗ nghỉ chân lý tưởng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một cây lớn ngả ngang qua đường mòn như chiếc cổng chào độc đáo.
Xuống đến độ cao khoảng hơn 1.000m so với mực nước biển, những con suối, ngọn thác xuất hiện ngày càng nhiều. Mọi người men theo dòng chảy của con suối trong vắt để tận hưởng cảm giác mát lạnh, kỳ thú. Những tảng đá to bằng cả một chiếc ô tô được nhiều người đến chụp vài kiểu ảnh lưu niệm.
Đến gần trưa, Hạng A Chúng đưa chúng tôi tiếp cận một ngọn thác hùng vĩ được đặt tên là Chu Va, như tên bản ở bên dưới. Thác nước khổng lồ đổ từ vách núi cao khoảng 100m xuống vực tạo ra dải nước trắng xóa. Du khách đứng cách xa gần 1km vẫn có thể nghe thấy tiếng nước đổ ầm ầm.
Theo tìm hiểu  thác Chu Va thuộc vào loại hùng vĩ nhất ở Tam Đường nói riêng và vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn nói chung. Đến nay, thác còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ bởi vẫn còn ít người biết tới.  Thời tiết buổi trưa bắt đầu nóng nực nay gặp ngọn thác hùng vĩ, dòng nước mát lạnh khiến nơi đây thành hồ bơi thiên nhiên tuyệt diệu. 
Chỉcần 5-10 phút tắm mát dưới ngọn thác, cơ thể ta như được thiên nhiên massage, bao mệt mỏi đều tan biến. Sau đó, mọi người bắt đầu bày bữa cơm trưa ngay trên phiến đá lớn bên chân thác để nạp năng lượng. Cơm nắm, thịt nướng, bánh chưng, giò lụa… đã được chuẩn bị sẵn. Mọi người đều cảm thấy rất ngon miệng khi dùng bữa ở một nơi đặc biệt ấn tượng như thế.
Rời núi đi tiếp đến hơn 16 giờ chiều thì xuống đến bản Chu Va, xã Sơn Bình. Để lại nhiều cảm xúc sau một chuyến đi, mọi người tạm biệt nhau và cùng hẹn có duyên gặp lại ở một cung đường mới. 

Các tin khác