Chủ động nâng cao sức chống chịu cho xung đột Biển Đỏ

(ĐTTCO) - Căng thẳng trên Biển Đỏ đang đe dọa kinh tế toàn cầu, và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Theo TS. Võ Trí Thành, bài toán của 2024 là hạn chế sự sụt giảm của thương mại và xuất khẩu, tăng năng lực chống chịu với các cú sốc, tạo năng lực cho tương lai.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gặp khó khi đi qua Biển Đỏ.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gặp khó khi đi qua Biển Đỏ.

PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhận định như thế nào về tình hình này?

TS. VÕ TRÍ THÀNH: - Theo tôi, sự hồi phục của kinh tế thế giới năm 2024 còn khó khăn, đặc biệt là tình hình kinh tế các đối tác chính của Việt Nam đều đi xuống cả về thương mại và đầu tư. Chỉ Liên minh châu Âu (EU) được dự báo đi lên nhưng mức độ rất thấp.

Vì thế, để tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục về mức như 2019 là vô cùng khó. Nhìn chung, rủi ro, bất định còn rất cao với xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, lại thêm câu chuyện nợ nần thế giới lên cao.

Trong bối cảnh trên, căng thẳng ở Biển Đỏ gây ra 3 tác động tiêu cực lớn.

Thứ nhất, làm đứt gãy chuỗi cung, chi phí vận chuyển cao hơn, khả năng cung ứng, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa và giá trị thương mại bị ảnh hưởng. Thí dụ, xuất khẩu Việt Nam khó được đẩy lên mức mong đợi, thậm chí có thể suy giảm.

Thứ hai, lạm phát và lãi suất không giảm như mong đợi, thậm chí lãi suất neo cao có thể tiếp tục kéo dài.

Thứ ba, xung đột Biển Đỏ là biểu hiện của sự đối đầu, của xung khắc về địa chính trị. Quá trình này khó kiểm soát, nghiêm trọng khi tạo nguy cơ phân mảnh kinh tế trên thế giới cao hơn, tác động tới chuỗi cung ứng lớn và khiến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả.

votrithanh4-2925.jpg

- Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ cú sốc Biển Đỏ, Nhà nước và DN cần phải làm gì, thưa ông?

- Biển Đỏ là cú sốc cho thấy thế giới ngày càng khó đoán định hơn. Vậy chúng ta phải mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc ban hành, thực thi chính sách để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ những cú sốc như thế mang lại.

Trong đó, giữ ổn định và tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế rất quan trọng. Cụ thể, phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo đảm an ninh năng lượng, và sản xuất nông nghiệp là bệ đỡ.

Thứ hai, những giải pháp chúng ta đang làm để kích cầu và hỗ trợ DN vẫn phải tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2024.

Thứ ba, phải chuẩn bị nền tảng cho năm 2024 và cho tương lai. Trong đó, các mô hình kinh tế xanh, kinh tế số và chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu, là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta.

Thứ tư, phải phản ứng nhanh gắn với những kịch bản, chuẩn bị sẵn những công cụ, giải pháp để giảm thiểu nếu có các cú sốc bất lợi. Có nghĩa bám sát tình hình rồi quyết liệt trong điều hành ứng xử, tạo nền tảng để chống lại các cú sốc và tạo nền tảng cho tương lai.

Phải tạo ra được những nền tảng để những động lực mới, nguồn lực có chất lượng và nguồn lực mới tạo ra sự phát triển, tạo tăng trưởng đột phá hơn.

Như các chuyên gia đã khuyến nghị cũng như Chính phủ đã xác định, là củng cố các động lực truyền thống và khơi mở các động lực tăng trưởng mới, khai thác và sử dụng hiệu quả các động lực trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong đó, các động lực mới là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… Các động lực trong ngắn hạn hãy nhìn vào tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu. Những động lực này vẫn được kỳ vọng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong năm 2024.

- Như vậy chúng ta vẫn có thể mở cánh cửa triển vọng?

- Năm 2024 với bối cảnh thế giới đà phục hồi có điểm được, có điểm chưa được, xuất nhập khẩu thương mại, đặc biệt là xuất khẩu vẫn rất khó khăn. Bài toán của năm 2024 là làm sao chặn đà đi xuống của thương mại, xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, chúng ta tạo ra được bước chuyển khá tốt, đó là thực hiện chính sách visa mới thu hút khách quốc tế tốt hơn.

Nhưng chúng ta còn nhiều dư địa cải thiện để lĩnh vực này phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, khi tình hình DN tốt lên, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, cũng góp phần vào tăng tiêu dùng.

Đặc biệt, với đầu tư công tôi tin rằng sẽ tiếp tục tốt. Năm 2023 chúng ta đã làm tốt. Lại thêm quy hoạch cơ bản đã có, cơ chế đặc thù cho một số địa phương đã có, rồi các khung khổ pháp lý cơ bản đã được sửa đổi với nhiều luật đã được thông qua trong năm 2023, nhất là Luật Đất đai.

Những vấn đề liên quan đến vĩ mô, liên quan thị trường tài chính, bất động sản đã được xử lý, đã tạo dựng lại lòng tin, qua đó cùng với đà phục hồi, đầu tư tư nhân hy vọng quay lại quỹ đạo.

Với những nỗ lực như vậy, chúng ta có thể và theo nhiều dự báo là tăng trưởng năm 2024 có thể là trên 6%, thậm chí là đạt được 6,5%. Nhưng quan trọng hơn phải nhìn về dài hạn, tức phải tạo ra được những nền tảng để những động lực mới, những nguồn lực có chất lượng và những nguồn lực mới tạo ra sự phát triển, tạo tăng trưởng đột phá hơn.

Chỉ có như vậy Việt Nam mới có thể đạt được khát vọng ít nhất đến năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao, cơ bản theo hướng hiện đại. Để tạo các động lực dài hạn đó, chúng ta đã làm rồi nhưng chúng ta mong muốn là quyết liệt hơn, mạnh hơn và đưa nó ngay vào cuộc sống.

Đó là những cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải theo nhiều tiêu chí hơn, thí dụ xanh hơn, số hơn, sáng tạo hơn cho đến những khuôn khổ pháp lý…

Điều quan trọng hiện nay là hạ tầng. Hạ tầng không chỉ là cao tốc và đường xá, còn là hạ tầng số, logistics. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa quan trọng không kém là nguồn lực mới có tạo ra được chuyển biến rõ rệt về năng suất. Muốn có được sự chuyển biến về năng suất lại phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nếu chúng ta khéo léo và có sự chuẩn bị tạo dựng những nền tảng tốt, hạ tầng thể chế, nhân lực có chất lượng, các nguồn lực đến cũng là nguồn lực chất lượng. Và đấy chính là tạo đột phá bước phát triển cho năm 2024 và những năm tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác