Chưa đáng lo khi FED tăng lãi suất

(ĐTTCO) - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powel mới đây đã tái khẳng định, FED sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình tăng lãi suất USD trong năm 2018, thậm chí cân nhắc một kịch bản đẩy mạnh lộ trình này trong bối cảnh triển vọng kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng tốt. 
Câu hỏi được đặt ra khi lãi suất USD tăng sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tỷ giá USD/VNĐ, dòng vốn quốc tế chảy vào và lộ trình giảm lãi suất của tiền đồng?
Sẽ không ảnh hưởng nếu điều hành linh hoạt
Về lý thuyết, việc tăng lãi suất thường là tín hiệu xấu cho nền kinh tế. Vì đó là biểu hiện của chính sách tiền tệ thắt chặt, giảm bớt cung tiền vào nền kinh tế, các khoản chi phí liên quan đến sản xuất và tiêu dùng cũng sẽ tăng lên, khiến cho doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và người dân hạn chế việc chi tiêu. Tuy nhiên, lần này câu chuyện tăng lãi suất của FED lại được đặt trong một bối cảnh hoàn toàn khác.
 Lộ trình tăng lãi suất của Hoa Kỳ không tác động lớn cũng như tác động xấu lên nền kinh tế Việt Nam lúc này. Hơn nữa, về mặt học thuật cũng không có bất kỳ kết quả nghiên cứu nào phát hiện mối quan hệ truyền dẫn từ việc thay đổi lãi suất USD hoặc biến động các chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ tác động trực tiếp lên thị trường Việt Nam. 
Bởi một thời gian dài nền kinh tế Hoa Kỳ chìm trong suy thoái do hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nguy cơ giảm phát đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Người dân Hoa Kỳ đã chờ đợi quá lâu để được nhìn thấy những dấu hiệu cho thấy kinh tế bắt đầu hồi phục, cũng như xu hướng tăng trưởng bền vững và ổn định để đánh dấu giai đoạn kinh tế Hoa Kỳ đã hoàn toàn thoát khỏi “bóng ma” suy thoái.
Do vậy, việc Chủ tịch FED Jerome Powell  sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất là một thông điệp tốt đối với người dân Hoa Kỳ, vì nó được hiểu như một sự khẳng định từ người đứng đầu FED, rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế khá vững chắc nhưng kèm theo đó sẽ tạo ra kỳ vọng lạm phát. Hành vi tăng lãi suất lần này là để đảm bảo cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ vừa có thể kiềm chế được kỳ vọng lạm phát vừa giữ được sự bền vững cho đà phục hồi kinh tế. 
Đối với Việt Nam, từ trước đến nay người dân có thói quen không nhìn vào lạm phát để đánh giá sự trượt giá của tiền đồng, thay vào đó họ nhìn vào giá vàng và giá USD. Từ biến động giá vàng và USD họ hình thành kỳ vọng lạm phát, từ đó đưa ra quyết định đầu tư và tiết kiệm. Vì vậy, tỷ giá USD/VNĐ và giá vàng tại Việt Nam rất nhạy cảm và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là người hơn ai hết hiểu rõ câu chuyện này.
Do vậy, NHNN luôn cố gắng giữ ổn định tỷ giá để giữ niềm tin của người dân vào giá trị tiền đồng. Những năm gần đây tỷ giá chỉ biến động trong biên độ khoảng từ 1-2% một năm, và điều này đã mang đến sự ổn định vĩ mô rất quan trọng cho nền kinh tế.
Từ năm 2017 đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung khá nhịp nhàng, khoa học, có sự tính toán kỹ lưỡng trong các động thái can thiệp mua bán trên thị trường, bơm tiền ra lưu thông hoặc hút tiền về để vừa ổn định được kỳ vọng lạm phát, vừa đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Điều này đã tạo ra tâm lý tốt cho người dân và nền kinh tế. 
Đầu năm 2018, xuất hiện thêm những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam khi dự trữ ngoại hối lập kỷ lục: 68 tỷ USD. Đó là điều kiện quan trọng để NHNN có thể thực hiện các chính sách can thiệp vô hiệu hóa nhằm ổn định được biến động tỷ giá, vừa giữ cho tác động của cung tiền không gây áp lực lên lạm phát, vừa đảm bảo được thanh khoản cho thị trường.
Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam hiện nay cũng rất lớn. Điều đó đã tạo ra thêm dư địa cho NHNN tiếp tục đảm bảo sự ổn định của tỷ giá hối đoái trong những năm tới. Do vậy đợt tăng giá USD trong thời gian vừa qua chỉ là dao động nhất thời trên thị trường, do một số hệ quả của những đợt can thiệp trước Tết âm lịch tạo ra. 
Chưa đáng lo khi FED tăng lãi suất ảnh 1 Ảnh minh họa.
Về phía công chúng, chính yếu tố tâm lý e ngại sự mất giá của tiền đồng theo thời gian đã khiến cho nhiều người tìm kênh trú ẩn là vàng và USD. Do đó, nếu NHNN truyền đi thông điệp rằng NHNN hoàn toàn có thể kiềm giữ được lạm phát kỳ vọng, hạ nhiệt bong bóng giá nhà đất và ổn định tiền tệ, thì không có lý do gì người dân phải đi mua USD rồi cất giữ và chịu mất chi phí cơ hội một cách lãng phí. Thay vào đó, người dân có thể nắm giữ tiền đồng để đầu tư, đưa vào sản xuất kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm. Khó kỳ vọng lãi suất giảm
Thông thường khi có thông tin FED tăng lãi suất, nhiều người thường bình luận về những tác động tiêu cực của động thái này đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán hoặc tỷ giá USD/VNĐ. Thực tế, việc FED tăng lãi suất chỉ có thể tác động một cách gián tiếp đến thị trường Việt Nam thông qua cơ chế truyền dẫn đến giá USD trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến tỷ giá USD/VNĐ và tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Nhưng đó chỉ là tác động gián tiếp, thiên về yếu tố tâm lý nhiều hơn và không đáng kể vì nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào thị trường Việt Nam không chỉ nhìn vào lãi suất và tỷ giá. Động lực chính của dòng chu chuyển vốn quốc tế là tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của thị trường chứng khoán, bất động sản, hoặc là các yếu tố như lao động, môi trường đầu tư, giá thuê đất, tài nguyên, chính sách kêu gọi vốn, những ưu đãi đầu tư nước ngoài của Chính phủ. Chính các yếu tố trên mới tạo ra sức hấp dẫn để thu hút dòng vốn chảy vào.
Năm 2017, khối ngoại đổ vào chứng khoản 6 tỷ USD vì giá chứng khoán được cho là rẻ và kỳ vọng về kinh tế vĩ mô tốt. Việc này không phải do yếu tố lãi suất quyết định.
Từ cuối năm 2017, Chính phủ đã khẳng định quan điểm muốn kéo giảm lãi suất nhằm tạo ra công ăn việc làm, gia tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế và tăng thêm phúc lợi cho xã hội. Trong khi đầu năm 2018, NHNN lại khẳng định lập trường tiền tệ trong năm nay là thắt chặt để đảm bảo ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Đây là một “độ vênh” chính sách hợp lý và cần thiết lúc này giữa tài khóa và tiền tệ. Thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng, cho thấy NHNN đã dần có tính độc lập tương đối như các ngân hàng trung ương trên thế giới.
Hiện nay, xu hướng lãi suất trên thế giới đang tăng lên vì kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang trên đà hồi phục, lấy lại phong độ tăng trưởng như trước đây. Song song với lộ trình phục hồi kinh tế luôn đi kèm với xu hướng lãi suất tăng.
Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng như vậy mà mặt bằng lãi suất tiền đồng của Việt Nam thấp, sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch lãi suất, nhà đầu tư có thể vay vốn ở nước ngoài để bán ra và đầu tư vào trái phiếu chính phủ để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, điều này sẽ gây sức ép bất lợi lên tỷ giá, điều hành chính sách tiền tệ và vấn đề kiểm soát vốn. Dòng vốn quốc tế chảy vào khá mạnh hồi cuối năm 2017 một phần để đầu tư vào trái phiếu chính phủ để hưởng chênh lệch lãi suất là bằng chứng cho hiện tượng này.
Nói cách khác lộ trình giảm lãi suất của Chính phủ nếu muốn thực hiện sẽ chịu rất nhiều yếu tố bất lợi và có tính khách quan. Do đó, đây là bài toán khó nhưng không phải không làm được nếu như các vấn đề như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và điều hành truyền dẫn lãi suất được thực hiện tốt.

Các tin khác